Với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, tranh dân gian Đông Hồ trong nhiều thế kỷ qua đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đi vào văn chương, thi ca, nhạc, họa, tạo nên nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.
Trong xã hội truyền thống, tranh dân gian Đông Hồ có sức sống lâu bền bởi phản ánh sinh động cuộc sống bình dị của người nông dân nơi thôn dã. Hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, đám cưới chuột, những thiếu nữ hứng dừa, các bộ tranh tố nữ, tứ quý, tứ bình… thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám, văn hóa, con người Việt Nam.
Học sinh tham quan phòng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: TTXVN
Trong xã hội đương đại, tranh dân gian Đông Hồ vẫn được treo trang trọng trong các phòng khách, công sở, khách sạn, văn phòng, được du khách nước ngoài ưa chuộng, được các nhà nghiên cứu mỹ thuật quan tâm tìm hiểu.
Có thể tóm lược những giá trị tiêu biểu nhất của tranh dân gian Đông Hồ như sau:
Một là, đây là dòng tranh có lịch sử phát triển rất lâu đời. Theo các nguồn sử liệu và công trình nghiên cứu, nghề tranh dân gian đã xuất hiện ở làng Đông Hồ từ thế kỷ XVI. Gia phả dòng họ Nguyễn Đăng cho biết họ đã hành nghề ở đây được 20 đời, tức là khoảng trên dưới 500 năm. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh, có nhiều nghệ nhân giỏi danh tiếng vang xa khắp vùng.
Hai là, tranh dân gian Đông Hồ đáp ứng được nhiều chức năng xã hội khác nhau, từ tín ngưỡng, tâm linh, lịch sử đến giáo dục, phản ánh phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt… Chẳng hạn, tranh thờ cúng đáp ứng nhu cầu tâm linh (Ngũ hổ, Bạch hổ, Thập điện, Quan Âm, Phật Tổ...); tranh lịch sử giáo dục truyền thống, ca ngợi anh hùng dân tộc (Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung...); tranh chúc tụng đáp ứng nhu cầu hướng tới những điều may mắn, tốt lành (Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn…); tranh sinh hoạt phản ánh phong tục, tập quán, lễ hội, cuộc sống thường ngày của người dân (Đấu vật, Đu xuân, Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột, Thầy đồ cóc…); tranh phong cảnh ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, những thú chơi tao nhã (Mai - Lan - Cúc - Trúc, Xuân - Hạ - Thu - Đông, tranh Tố nữ…); tranh truyện đề cao đạo đức làm người, chính nghĩa thắng gian tà (Thạch Sanh, Phương Hoa, Truyện Kiều, Phạm Tải Ngọc Hoa…).
Người làm tranh dân gian Đông Hồ đục ván khắc gỗ để in tranh. Ảnh: TTVXN
Ba là, tranh Đông Hồ chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc, những ý nghĩa nhân sinh sâu xa. Trước hết, đó là những ước mơ, khát vọng từ những điều bình thường, giản dị nhất tới những điều thiêng liêng, cao quý nhất, như cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến những quan niệm nho giáo về đạo lý, lẽ sống ở đời. Tranh Đông Hồ rất chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần thượng võ, ý chí quật cường của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tranh Đông Hồ cũng luôn đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn vinh người hiển đạt của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, tranh dân gian Đông Hồ có tính giáo huấn sâu sắc, luôn đả phá những thói hư, tật xấu, đề cao những giá trị nhân văn, lên án tầng lớp thống trị hoặc các thế lực ngoại xâm.
Bốn là, tranh dân gian Đông Hồ có giá trị nghệ thuật độc đáo với những thủ pháp thể hiện mang đậm chất dân gian. Các bức tranh toát lên những đặc trưng thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật thuần phác của người nghệ nhân dân gian. Đó là nghệ thuật khắc họa không gian theo lối ước lệ, tượng trưng, mà không cần tuân thủ luật viễn - cận, tối - sáng như trong mỹ thuật hiện đại. Đường nét trong tranh Đông Hồ thiên về đơn giản, to đậm, nhưng cô đọng, chắc khỏe, có xu hướng cách điệu và trang trí hơn là tả thực. Chính những điều đó tạo nên nét đặc sắc của dòng tranh này.
Năm là, tranh Đông Hồ được làm từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên. Giấy in được làm từ giấy dó quét điệp, còn gọi là giấy điệp. Bột điệp tạo cho nền giấy một màu trắng sáng trong, lấp lánh, tôn màu khi in, có ưu điểm là nhẹ, mỏng, dai, dễ hút màu, chống được vi khuẩn, mối mọt và rất bền. Các màu trong tranh đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như than lá tre, lá chàm, hoa hòe, hạt dành dành, gỗ vang, sỏi son..., tạo cho tranh Đông Hồ một phong cách riêng, khác lạ, mang đậm chất dân gian.
Sáu là, tranh Đông Hồ có kỹ thuật chế tác độc đáo, là loại tranh khắc gỗ (hay tranh in mộc bản). Tranh được in bằng ván khắc theo lối thủ công, theo kiểu xấp ván chứ không phải ngửa ván như một số dòng tranh dân gian các nước.
Tranh dân gian Đông Hồ vừa chân chất, gần gũi, vừa sâu sắc, triết lý, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Trong cuộc sống đương đại, tranh dân gian Đông Hồ vẫn có những đóng góp vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam, cung cấp những chủ đề, môtip, hình thức thể hiện và tạo nguồn cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ trẻ.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, hiện nay, nghề tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao. Do vậy, bảo vệ, giữ gìn và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với tư cách là một di sản quý của văn hóa dân tộc đang đặt ra vô cùng cấp thiết.
Theo Báo QĐND