Ví dụ một người ngồi vào bàn ăn, ăn nhanh quá, mọi người đều ngưng ăn để nhìn anh ta với vẻ khó chịu. Có người chịu không nổi đã ghé tai anh ta nói "anh ăn uống có lòng tự trọng một chút đi". Nghĩa là ăn làm sao đừng để người ta khinh mình vì lỗi của mình.
Hoặc có người đến gặp bạn giàu, nói chuyện một lát người bạn giàu móc túi ném một xấp tiền vào mặt nói "tao cho mày đó". Người này có lòng tự trọng nên cương quyết không nhận quà tặng kiểu xem thường như thế.
Cơ bản ý nghĩa của lòng tự trọng là không để cho người khác xem thường mình vì lỗi của mình. Còn mình không có lỗi gì mà người ta vẫn xem thường thì kệ người ta, không quan tâm. Cái khác nhau là chỗ đó.
Nếu ai xem thường mình cũng mất tinh thần, thì không phải lòng tự trọng, mà chỉ là bản ngã lớn quá. Còn tự trọng là biết xấu hổ khi bị người khác xem thường vì lỗi của mình.
Vì thế, người có lòng tự trọng luôn giữ gìn nhân cách cẩn thận, không để có lỗi cho người khác xem thường. Như vậy, nếu nói cho đủ thì phải nói là, Tự trọng nghĩa là cố gắng Tự giữ gìn phẩm giá để không bị mất sự tôn trọng của mọi người đối với mình.
Người tự trọng cũng không thích cầu cạnh xin xỏ, phước có bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, chứ không cần sự ban phát kèm theo sự xem thường của người khác. Chỗ này khiến cho người tự trọng bị xem như bất cần ngang tàng. Tuy nhiên, người tự trọng đúng nghĩa sẽ chấp nhận năn nỉ xin xỏ giùm cho người khác. Xin cho mình thì không, xin cho người thì rất chịu khó.
Nếu người tự trọng hiểu Nhân quả, họ sẽ siêng làm phước để không bị xem thường vì kém phước. Chưa đủ phước thì chịu đựng chứ không xin xỏ. Chưa đủ phước thì gắng làm phước chứ không làm bậy để bị xem thường.
Tự trọng cũng khác với tự ái. Tự ái là nổi giận, tủi thân, khi bị xúc phạm. Tự trọng thì không giận, không tủi thân khi bị xúc phạm, mà chỉ là không cho phép mình đã phạm sai lầm gì đó khiến người ta xúc phạm. Người tự trọng sẽ lạnh lùng nghiêm mặt khi bị xúc phạm, nhưng đó là tự trách mình đã có lỗi. Còn nếu mình không có lỗi mà người ta xúc phạm thì đã qua trường hợp khác.
Như thế, người tự trọng luôn trau dồi cả hai phần, một là đạo đức, hai là phước. Kém phước bị người ta xem thường. Kém đạo đức cũng bị người ta xem thường.
Bậc chính nhân quân tử giữ mình tránh xa lầm lỗi cẩn thận đến nỗi cả quỷ thần cũng phải tôn trọng.
Nguồn: https://www.facebook.com/nentangdaoduc/posts/2113122598976344