Bé Loan hỏi dì hai:
– “Đói cho sạch, rách cho thơm” nghĩa là sao dì hai? Cô giáo cho bài về nhà làm, bảo phân tích câu này, con không hiểu.
Dì hai không nhìn, cứ cúi đầu lo trộn xào món ăn gì đó:
– Con qua hỏi chú Thìn hàng xóm đó, chú đó đúng chuẩn đói cho sạch rách cho thơm đó.
– Con thấy chú Thìn lúc nào quần áo cũng tươm tất, trời nóng cũng không chịu quần đùi cởi trần như mấy người khác. Con chỉ hiểu vậy.
– Nhà chú Thìn không phải giàu, nhưng giữ gìn nề nếp rất kỹ, ai cũng y phục tươm tất, lời nói nhã nhặn lễ phép, học hành giỏi giắn. Mấy cái đó đâu cần tiền để mua, mà cần ý thức quan điểm đạo đức. Con giả bộ chạy qua hỏi đi.
Bé Loan dạ rồi cầm vở đi qua nhà chú Thìn hàng xóm. Chú Thìn đi vắng nhưng có chị Trang là con lớn của chú. Chị Trang nghe xong nói:
– Ba chị dạy rằng y phục mình mặc trên người của mình nhưng là view nhìn của mọi người. Thế nên y phục của mình không còn là quyền riêng tư của mình nữa mà còn là lợi ích của mọi người chung quanh. Ta phải ăn mặc làm sao để mọi người có cảm giác được tôn trọng. Ta ăn mặc lố lăng không quan tâm đến cảm giác của người khác tức là ta khinh thường mọi người. Mà đã khinh thường mọi người thì ta tự nhiên bị đào thải dần dần khỏi cộng đồng mà ta không hay.
Ba chị dạy ăn mặc phải phù hợp với hoàn cảnh, đừng quá sang nơi hoàn cảnh không nên sang, đừng quá sơ sài nơi hoàn cảnh không nên sơ sài. Bình thường thì đừng hở hang, bẩn thỉu, rách rưới, kỳ dị.
Bé Loan trầm ngâm chút rồi hỏi:
– Chú Thìn khó quá rồi chị có bị ế chồng không?
Chị Trang phá lên cười:
– Không biết em thông minh hay nghịch ngợm nữa đây. Đúng là nề nếp gia đình như vậy nên chị ít có bạn dễ dàng, nhưng ai đã là bạn thì rất tôn trọng nhau. Em không biết chứ chị được nhiều người đánh tiếng xin cưới lắm đó, vì bồ bịch thì cô nào cũng được, còn vợ thì họ đều cần người đàng hoàng.
– Vậy sao chị chưa lấy chồng?
– Cũng phải chọn người nào mình kính phục chứ em, lấy đại nhằm người mà mình không đủ sự kính phục thì làm sao hạnh phúc được.
– Chị không cần yêu à? Em nghe nói người ta lấy nhau vì yêu nhau mà?
– Kính phục thì đã có yêu rồi, còn yêu thì chưa chắc có kính phục.
– Cái này em chưa hiểu.
– Thôi, về làm bài đi, chỗ nào chưa hiểu thì qua hỏi chị nhé.
Trang phục cũng có đạo đức trang phục. Đạo đức trang phục ở đây là ăn mặc với ý nghĩa tôn trọng mọi người.
Tôn trọng mọi người là một đạo đức cao cấp. Ai biết tôn trọng mọi người thường sẽ được thành công trong đời. Luật Nhân quả là như thế. Ai khinh thường mọi người, nhất là hay mở miệng chê bai mọi người, cuối cùng đều chuốc lấy thất bại.
Tôn trọng mọi người được thể hiện qua nhiều cách thức như lời nói lễ độ, cử chỉ, công việc, quà tặng, ánh nhìn, giữ yên tĩnh, bảo vệ thanh danh, khen ngợi… Bài này nói về trang phục cũng là một cách để thể hiện sự tôn trọng mọi người. Ta không ăn mặc cho ta, mà ta ăn mặc cho mọi người.
Vì có sự tôn trọng mọi người nên ta không phải muốn mặc sao thì mặc. Ở trong nhà cũng không nên quần đùi vì trong nhà còn có nam nữ trên dưới ông bà con cháu. Xuất hiện ở cửa thì lại càng không được dễ dãi hở hang, vì lúc đó nhiều người qua lại.
Thường thì ta chọn trang phục nào đó vì nghĩ nó đẹp, mọi người sẽ thích, đó cũng là dấu hiệu của đạo đức trang phục. Nhưng đạo đức trang phục sâu xa hơn, tôn trọng cảm giác của mọi người bằng trang phục của mình.
Vương Tấn Việt