Cả hội trường vỗ tay vang rền.
Chợt một tiến sĩ đến từ châu Phi xin được có ý kiến, ông nói:
- Tôi có cái nhìn hơi bi quan, nhưng vì thấy nó có lý nên xin phép được trình bày. Tôi cho rằng người ta sống lâu hơn vì người ta khó chết hơn, đúng không ạ?
Mọi người im lặng không biết ông tiến sĩ này tính giở trò gì. Tiến sĩ phi Châu đằng hắng rồi nói tiếp:
- Người ta khó chết hơn vì người ta bệnh mà không thể chết. Nền y học kềm giữ cho người ta sống kéo dài chung với bệnh tật chứ không cho người ta chết. Thế là ta tính tỉ lệ tuổi thọ trung bình của nhân loại dựa vào rất nhiều bệnh nhân muốn chết mà không chết được này.
Cả hội trường ồ lên ngạc nhiên.
Tiến sĩ đến từ phi Châu vẫn đều đều nói tiếp:
- Những bệnh nhân ung thư chưa thể hết bệnh, vẫn phải sống, vẫn phải chịu đau đớn, vẫn phải hóa trị hay xạ trị, để kéo dài được 3 năm giúp cho chúng ta tính tăng tuổi thọ trung bình của nhân loại. Những bệnh nhân tiểu đường cứ phải tháo khớp cắt chân dần dần để sống thêm được 7 năm nữa đóng góp vào tuổi thọ trung bình của nhân loại.
Tôi cho rằng cái công lao lớn nhất của nền y học hiện đại là kéo dài sự sống của một người trong gia đình và làm cả gia đình trở nên nghèo khổ vì tốn kém tiền bạc chữa trị. Bảo hiểm y tế cũng bị thua lỗ vì bệnh nhân bệnh kéo dài, đánh vào ngân sách quốc gia.
Tôi cũng không hề chủ trương giúp cho bệnh nhân mau chết để nước giàu dân khỏe. Tôi muốn nhìn sức khoẻ của cả Địa cầu qua góc nhìn khác.
Chúng ta cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây nên bệnh tật tràn lan, đúng. Chúng ta cho rằng lối sống phóng túng hưởng thụ của một số người không nhỏ đã gây nên bệnh tật mới tràn lan, đúng. Chúng ta cho rằng đời sống căng thẳng hơn trong thời đại công nghiệp 4.0 đã gây nên suy giảm hệ miễn dịch tạo cơ hội cho bệnh tật tràn lan, đúng. Nhưng tôi còn nhìn thấy một cái khác, đó là rừng. RỪNG, vâng, đó là rừng.
Quý vị hãy nhìn lên slides để xem các số liệu đối chiếu cụ thể mà tôi đã sưu tầm hơn 40 năm qua. Quý vị sẽ thấy khi diện tích Rừng giảm bớt thì tỉ lệ bệnh tật tăng lên. Tôi nhắc lại, bệnh mà không chết. Khu vực nào Rừng giảm nhanh thì khu vực đó xuất hiện nhiều bệnh tật hơn. Phi Châu của tôi là một ví dụ. Ngày xưa rừng ở Phi Châu là dày đặc, tỉ lệ người mắc bệnh rất ít. Người ta chỉ chết vì đánh nhau, vì bị sư tử nhai, vì bị rắn nuốt. Tỉ lệ tuổi thọ ở Phi Châu được cho là thấp vì những cái chết lãng nhách, chứ khi sống thì người ta sống rất khỏe mạnh. Đã có những thời kỳ Phi Châu là cái nguồn cung cấp sức lao động cho các nước qua hình thức nô lệ mà. Bây giờ thì đường đua Olympic vẫn do người Phi Châu thống trị.
Nhưng khi Rừng Phi Châu giảm diện tích thì chúng tôi cũng bắt đầu chịu bệnh tật như người ở các châu lục khác.
Tôi đã cất công đi tìm mối tương quan giữa sức khoẻ và diện tích rừng, và đã phát hiện nhiều nguyên lý thú vị. Những nguyên lý này mới mà không mới. Rừng cây có tương tác với con người về cả vật lý, hóa học, sinh học và một loại trường mới, giống như từ trường mà không phải từ trường...
Ông tiến sĩ đến từ châu Phi nói mãi và mọi người quên mất thời gian vì quá thuyết phục.
Cuối cùng, ông kết luận:
- Vậy, hoặc là chúng ta quyết liệt bảo vệ rừng, hay là chúng ta sẽ chết vì bệnh tật đủ loại. Chúng ta sẽ bảo vệ rừng quyết liệt để cho rừng sẽ bảo vệ lại chúng ta, hay là mất rừng rồi chúng ta bơ vơ lạc lõng. Chúng ta sẽ không chết vì thế chiến, mà sẽ chết vì hết rừng.
Hãy chung tay bảo vệ rừng mạnh mẽ hơn nữa.
Mọi người đã đứng lên cùng hô vang
"Forest or Death"
Có bài hát của ai đó viết rằng: "Ngày nào mọi người hiểu ra một điều, cây xanh trong rừng cũng biết thương yêu, rừng cho trái tim ta mơ mộng nhiều, giọt nắng ban mai hay mưa buổi chiều..."
Chỉ những người có đạo đức sâu sắc mới yêu được từng cánh hoa ngọn lá, và yêu được những cánh rừng mênh mông. Người bình thường nhìn cây chỉ là cây, người có trí tuệ nhìn cây là nền tảng sự sống của Địa cầu. Sự trao đổi chất giữa cây và đất, nước, không khí, tạo nên những điều có lợi cho sự sống muôn loài. Ngoài ra cây còn tỏa ra một trường sinh học vô hình hỗ trợ cho tinh thần của các giống loài động vật. Thế nên rừng cây mênh mông bát ngát đã tạo nên trường sinh học che chở não bộ của muôn loài động vật.
Khi phá rừng, ta đã phá dần biết bao lợi ích của con người, phá luôn phẩm chất tình nghĩa của mình, và phá dần đạo đức của mình. Nhân loại nên dành nguồn lực để bảo vệ Rừng thay vì cứ xem nhau như kẻ thù mà lo chế tạo vũ khí giết hại nhau. Rừng như cha, rừng như mẹ, nhưng rừng đứng yên bất lực nhìn các con của mình giết hại mình. Cây cổ thụ vài trăm năm tuổi thì đúng là hơn cả nội tổ của mình. Nhưng chúng ta cứ xem rừng cây là vô tri vô giác để mà chặt phá không thương tiếc.
Ta nhìn một cây cổ thụ vài nghìn năm tuổi và bồi hồi hình dung ra cây đã đi qua biết bao nhiêu biến động của lịch sử Địa cầu. Nhưng kẻ vô tâm chỉ nhìn thấy kích thước to lớn của thân cây và hình dung số tiền kiếm được. Ta không tránh được cảm giác yêu kính cây, và ngạc nhiên với ý nghĩ của những kẻ muốn khai thác đốn hạ cây.
Người Việt Nam vẫn còn cái văn hóa yêu kính cây cổ thụ đầu làng, ven sông. Ở thủ đô Hà Nội, ta vẫn bắt gặp con đường đại lộ phải tránh cây cổ thụ. Đường phải vòng ra. Vậy mà ai cũng thích thú vì điều này.
Hãy yêu rừng như yêu những gì thân thiết nhất của chúng ta.
Nguồn: Nền tảng đạo đức