Số 570 hỏi:
– Này anh bạn, bạn làm gì mà vô đây vậy?
Số 577 đáp:
– Tôi vô tình bị liên lụy trong một vụ biển thủ nên bị kêu án 3 năm. Tôi không ăn đồng nào, chỉ bị trách nhiệm liên lụy.
– Sao bạn ở tù mà mặt mày tươi rói vậy? Thường thì phải ở đây 2 năm mới quen rồi bớt buồn.
– Dạ, tôi quan niệm rằng ở chỗ nào cũng có một cơ hội gì đó rất đáng để chiêm nghiệm học hỏi. Ở tù cũng là một cơ hội. Tôi đã vào đây thì tôi sống trọn vẹn ở đây, tâm không nghĩ ngợi xa xôi ra ngoài, nhờ vậy tâm tôi an vui.
– Bạn học được cái triết lý này ở đâu vậy?
– Dạ, tôi học được điều này khi tôi bị phản bội. Người mà tôi yêu thương nhất trên đời, chăm sóc chu đáo đầy đủ, đã bỏ tôi để lấy chồng giàu. Tôi đau khổ suýt tự tử. Tôi loay hoay 3 ngày như rơi vào nước xoáy không lối thoát. Đến ngày thứ tư tôi bỗng đổi lối suy nghĩ, không tìm cách thoát ra nữa, mà ôm nỗi đau vào lòng. Một cảm giác dễ chịu xuất hiện. Tôi tiếp tục thực hành cái công phu đó, ôm nỗi đau vào lòng thay vì tìm cách thoát khỏi nó, thêm 4 ngày nữa thì tôi hết đau khổ.
Từ đó tôi áp dụng cách này trong những tình huống khó khăn. Bị xúc phạm, tôi đón nhận hết. Bị mưu hại, tôi đón nhận hết. Nhờ vậy mà tôi không buồn phiền giận hờn oán trách. Khi bình tĩnh được thì mình sẽ có những quyết định đúng đắn hơn, đạo đức hơn.
Lần này tôi được cơ hội trải nghiệm việc ở tù, tôi cũng ôm lấy nó, sống trọn vẹn với nó, nên tôi cũng vui như ở ngoài.
– Bạn làm tôi ngạc nhiên đấy.
Ta đau khổ không phải vì ta đau khổ mà bởi vì ta muốn tránh đau khổ. Càng muốn tránh đau khổ, ta càng đau khổ. Cái bí quyết ở đây là chấp nhận đau khổ. Không ngờ khi ta can đảm chấp nhận đau khổ thì ta lại bớt đau khổ.
Khi ta chấp nhận đau khổ cũng có nghĩa là ta chấp nhận lỗi lầm của mình đã tạo ra trong quá khứ. Tâm lý biết nhận lỗi là tâm lý đạo đức. Vì là tâm lý đạo đức nên nó cho ta sức mạnh để hóa giải niềm đau.
Có khi ta phải làm việc trong một vị trí không vừa ý, ta cứ khó chịu bất mãn, thì chắc chắn ta tự làm khổ mình, mà công việc cũng không hiệu quả. Nếu ta chấp nhận cái không vừa ý đó, sống trọn vẹn với nó, không nghĩ ngợi xa xôi ra chỗ khác, thì ta an vui ngay lập tức, mà công việc cũng tốt lên.
Có khi ta bị một cơn bệnh đau khó chịu, dĩ nhiên phải chữa trị, nhưng tâm ta cứ muốn hết bệnh, thì sự khổ sở lại nhiều hơn. Nếu ta chấp nhận cơn bệnh đau đó, dĩ nhiên cũng phải chữa trị, nhưng tâm ta đỡ khổ sở hơn nhiều.
Ôm lấy niềm đau, đó là cả một bản lĩnh lớn để bớt đau. Nhưng ai chưa đủ bản lĩnh sẽ khó thực hiện điều này. Phải có trí tuệ và đạo đức lớn mới đủ sức ôm lấy niềm đau.
Tác giả: Chân Quang