Việt Nam-Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân-đế quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Campuchia khởi xướng, tạo nên sức mạnh chung to lớn cho quân và dân hai nước thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Sơn Ngọc Minh, một trong các lãnh tụ chống thực dân Pháp của Campuchia, năm1954
Ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”. Trong ảnh: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tiếp thân mật Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk và Hoàng hậu Monineath Sihanouk, ngày 12/2/1972
Ngày 24-6-1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc. Trong ảnh: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk ký Tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia, ngày 5-3-1972
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia đã sát cánh bên nhau, giành nhiều thắng lợi trên cả mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. Trong ảnh: Nhân dân Hà Nội tiễn Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk sau chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ 12/2-5/3/1972
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai. Tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình, đã rơi vào bi kịch lớn khi tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp. Trong ảnh: Bộ đội Quân khu 5 tham gia giải phóng Campuchia
Mặc dù Việt Nam còn trong hoàn cảnh rất khó khăn bộn bề vì vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng đáp lại niềm tin, nguyện vọng của nhân dân và những người cách mạng chân chính của đất nước Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, làm hết sức mình, hết lòng giúp đỡ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia; đồng thời hỗ trợ và phối hợp với lực lượng nổi dậy Campuchia đấu tranh chống lại Tập đoàn phản động Pol Pot. Trong ảnh: Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu, tháng 1/1979
Người dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp dân Campuchia thu hoạch lúa. Đây là hình ảnh thắm tình quân-dân Việt Nam-Campuchia trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot
Lực lượng hải quân đánh bộ quân đội Việt Nam hiệp đồng đổ bộ trong chiến dịch Tà Lơn, tiến đến giải phóng cảng Kampong Som và cảng Ream, mở đầu cho công cuộc giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot
Quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai, sát cánh cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tại các tỉnh, thành phố, địa phương khác nhau và đến ngày 7/1/1979 đã hoàn toàn giải phóng thủ đô Phnom Penh. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do
Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và tiếp tục đề nghị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot và củng cố chính quyền cách mạng
Nữ chiến sĩ Việt Nam và Campuchia vui mừng trò chuyện sau ngày Campuchia giải phóng
Ngày 17/2/1979, Phó Chủ tịch Chea Sim cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm binh đoàn 1 Campuchia bảo vệ thủ đô Phnom Penh
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng cách mạng nhân dân Campuchia Heng Samrin ký tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia nhân chuyến thăm đến Việt Nam, ngày 22/8/1979
Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở và phục hồi kinh tế-xã hội từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Trong ảnh: Chuyên gia Việt Nam trao đổi với cán bộ Campuchia tại trại gà số 2 do Việt Nam giúp bạn sau ngày Giải phóng
Bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia gặt lúa
Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Campuchia) đón chào lực lượng cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc
Chủ tịch Hội phụ nữ Campuchia Men Sam An chào mừng Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ 5 và trao quà kỷ niệm cho Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định, ngày 19/5/1982
Ngày 7/7/1982, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng ngoại giao Campuchia Hun Sen ký hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa hai nước
Qua quá trình kề vai, sát cánh chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia với biết bao gian khổ, hy sinh anh dũng của nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước. Trong ảnh: Bộ đội Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam bảo vệ đền Angkor Wat
Trên cơ sở đó, theo thỏa thuận giữa hai Nhà nước, năm 1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước trong niềm tự hào, vinh quang, với những tình cảm lưu luyến, thắm thiết nghĩa tình của nhân dân Campuchia anh em; hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, vô tư, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Trong ảnh: Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ Quân đoàn 4- Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước, ngày 2/5/1983
Tình cảm nồng ấm của nhân dân Campuchia dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Dần, Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long tại Lễ đón nhận Huân chương Angkor Wat cho Binh đoàn tại thủ đô Phnom Penh, ngày 1/5/1983
Sáng 3/5/1983, hơn 3 vạn người dân thủ đô Phnom Penh đã ra đường tiễn đưa các chiến sĩ Quân đoàn 4-Binh đoàn Cửu Long hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước
Người dân tỉnh Battambang tiễn đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam lên đường về nước, ngày 20/6/1984
Việc Campuchia giải phóng dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen từng đánh giá: “Thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam". Trong ảnh: Người dân Phnom Penh tiễn đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam lên đường về nước, tháng 6/1984
Tổng Bí thư Đảng nhân dân Campuchia, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Campuchia Hen Samrin và nhân dân thủ đô Phnom Penh nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh thăm chính thức Campuchia, tháng 6/1985
Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1993 của Campuchia, quan hệ giữa hai nước chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với tình hình của mỗi nước và bối cảnh quốc tế. Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc. Trong ảnh: Ngày 5/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký hai văn kiện pháp lý về biên giới, bao gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia
Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương trên tất cả các kênh, kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn nhân dịp tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 (ngày 7/6/2021), tại Trùng Khánh, Trung Quốc
Chính phủ và nhân dân hai nước phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước càng chặt chẽ và thực chất. Trong ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn trao tượng trưng vật tư y tế của Việt Nam hỗ trợ Campuchia ứng phó với dịch Covid-19 cho Đại sứ Chay Navuth. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bà Youk Sambath, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia (trái), trao tượng trưng số hàng của Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh cho ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (phải)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào tháng 2/2019. Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Campuchia, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Việt Nam đã tới dâng hoa tại Tượng đài Hữu nghị, tháng 2/2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự quốc yến do Quốc vương Campuchia Norodom Shihamoni chủ trì. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nêu rõ: "Lịch sử đã gắn kết hai nước chúng ta, mối quan hệ Việt Nam -Campuchia đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá của hai dân tộc", tháng 2/2019
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia
Chiều 14/52021, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Campuchia Chay Navuth đến chào xã giao. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Campuchia thời gian qua trên cả hai bình diện song phương và đa phương. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố và tăng cường quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tọa đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, ngày 3/6/2021. Tại cuộc hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội cùng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 nước thời gian qua. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao 2 nước vẫn duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên; các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả; kim ngạch thương mại 2 chiều tiếp tục tăng mạnh, 4 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tích cực vào phục hồi kinh tế của 2 nước, nâng cao đời sống nhân dân
Sáng 20/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20/6/1977-20/6/2022). Lễ kỷ niệm này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động trọng thể chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), và đặc biệt trong niềm vui hân hoan của nhân dân Campuchia khi vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường ngày 5/6/2022. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Campuchia đã cùng trồng cây hữu nghị và tham quan bia di tích tại khu vực lối mở Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Lễ kỷ niệm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, kỷ niệm 45 năm bắt đầu hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đưa đất nước Campuchia hồi sinh, thể hiện sự hợp tác và đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc, góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu Campuchia-Việt Nam. Trong ảnh: Lễ khánh thành Toà nhà Hữu nghị do Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ Bộ Quốc phòng Campuchia nhân dịp này có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm lần thứ 45 năm hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot
Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 45 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam rất vui mừng chứng kiến đất nước và nhân dân Campuchia đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững hoà bình, độc lập, tái thiết và phát triển ngày càng thịnh vượng, cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch giữa hai nước; thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
“Sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần hữu nghị trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước; nhân dân hai nước; tôi tin tưởng mối quan hệ này sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, Thủ tướng Hun Sen khẳng định
Theo BPO