Theo lẽ thường, ai bền bỉ vun trồng, chăm sóc cây cũng mong có ngày được hái hoa thơm, quả ngọt. Sau bao năm nuôi nấng, vỗ về, giáo dục, dạy bảo, cha mẹ nào cũng muốn con học hành tiến bộ, thi cử đạt kết quả cao và đặt được chân vào ngôi trường mong muốn. Nhưng tạo hóa vốn không công bằng. Ngay từ khi đứa trẻ sinh ra, chúng ít nhiều mang gen của cha mẹ, nếu cha mẹ thông minh thì con trẻ cũng thường nhanh nhẹn, sáng láng về trí tuệ.
Nhưng thực tế cũng không hẳn vậy. Có em sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, bố mẹ chỉ học đến mức đọc thông viết thạo, song đứa trẻ học hành tiến bộ không ngừng, đạt được nhiều thành tích tốt.
Ảnh minh họa: bvhttdl.gov.vn
Ngược lại, có em thành phần xuất thân cơ bản, bố mẹ là công chức, thậm chí có địa vị xã hội và kinh tế khá giả, nhưng trẻ lại học hành không đạt kết quả như gia đình mong muốn. Đây là một trong những căn nguyên khiến nhiều bậc cha mẹ có tâm lý mặc cảm với xã hội khi ở vào hoàn cảnh “Con nhà tông không giống lông mà cũng chẳng giống cánh” (khác với lẽ thường là “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”).
Và đây là lý do sâu xa khiến nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình không học hành giỏi giang như bạn bè cùng trang lứa. Vì mang tâm lý con mình không bằng “con nhà người ta”, vì sự kỳ vọng thái quá vào tương lai của con, vì cả nỗi lo bâng quơ của những người xung quanh sẽ nhìn nhận con mình không tương xứng với vị thế xã hội của cha mẹ mà nhiều bậc phụ huynh luôn tạo ra những áp lực vô hình cho con trong suốt quá trình học tập.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ đặt kỳ vọng vào kết quả học tập của con quá khả năng của trẻ là không nên và không tốt. Các chuyên gia từng khuyến nghị các bậc phụ huynh: “Đừng bắt con oằn lưng gánh ước mơ của bố mẹ”, bởi cách giáo dục như vậy vừa không khoa học vừa tạo tâm lý bất an cho trẻ, từ đó có thể tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, thậm chí nảy sinh những xung đột về thế hệ, khiến trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, tự ti, không kiểm soát, không làm chủ được bản thân, từ đó đã tự hủy hoại cuộc đời mình một cách đau lòng.
Khoa học tâm lý giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng, thành công của một con người không hẳn xuất phát từ điểm giỏi, thành tích cao trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Đành rằng, trí tuệ thông minh là một trong những điều kiện cần giúp con người đi tới thành công, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Sự thành đạt của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố tổng hợp như: Chỉ số thông minh (IQ-Intelligence Quotient), chỉ số cảm xúc (EQ-Emotional Quotient), chỉ số vượt khó (AQ-Adversity Quotient), chỉ số say mê (PQ-Passion Quotient)... cộng với yếu tố may mắn từ khách quan mang lại. Mặt khác, năng lực thành tài của con người thì bên cạnh năng lực tự chủ, tự học còn phải kết hợp với năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, chứ không đơn giản chỉ là những điểm 9, điểm 10 trong học bạ hay tấm bằng loại giỏi, loại xuất sắc.
Con học hành tiến bộ thì cha mẹ vui. Con đỗ đạt trường lớp theo mong muốn thì cha mẹ mừng. Nhưng khi con học chưa giỏi, chưa bước chân được vào “trường này, trường nọ” thì cha mẹ cũng không nên lấy đó làm buồn, nếu giả sử có ưu tư thì chỉ là nhất thời.
Đôi khi tưởng chọn cho con lối đi này là đúng, là hay nhưng không hẳn vậy. Khi cha mẹ bình tâm suy xét, cân nhắc hướng con vào một ngã rẽ khác mà phù hợp với sở thích, ước muốn của con thì đấy là “bệ phóng” giúp con hướng tới thành công trong tương lai. Đó chính là tình yêu thương con một cách thực lòng, thực chất.
Theo Báo QĐND