Vấn đề là khi nghịch cảnh đến ta phải làm sao để đừng động tâm, đó là thành công.
Có nhiều loại động tâm với nghịch cảnh. Có khi ta động tâm theo kiểu tức giận, nhất là khi có người xúc phạm, nói nặng ta.
Có khi ta động tâm theo kiểu buồn khổ, nhất là khi ta bị tai nạn, bị bệnh tật.
Có khi ta động tâm theo kiểu căm thù, nhất là khi có kẻ nào mưu hại ta, hạ uy tín ta với công chúng.
Có khi ta động tâm theo kiểu thù dai, ôm mối thù hoài, khi mà hiện tại chưa trả đũa được.
Có khi ta động tâm theo kiểu tự ái, khi không được tôn trọng đúng mức trước mọi người.
Nếu ta đạt được trình độ không động tâm trước nghịch cảnh là ta đã có một bản lĩnh lớn trong cuộc đời. Các vĩ nhân đều đạt được trình độ tâm bất động trước nghịch cảnh. Tâm có bất động rồi ta mới có sáng suốt tìm cách xử lý công việc hợp lý nhất. Người nóng lên hay làm liều cho bõ tức, mặc kệ hậu quả, thì đúng là hậu quả bi thảm hơn. Người ta chửi một câu, tức quá đâm người ta một nhát chết tươi, rồi trốn đâu cho thoát tù tội. Khi bình tĩnh ta sẽ thấy câu chửi là rất nhẹ, giết người là quá nặng. Ta dùng cái tội nặng để đáp lại cái tội nhẹ là rất uổng phí cuộc đời, uổng phí công sức. Chẳng khôn ngoan chút nào.
Còn nếu ta nhẫn nhịn bỏ qua, có người cho ta yếu hèn, có người cho ta biết kềm chế, chỉ có ta biết ta đang tu dưỡng nội tâm bất động vì đạo đức mà thôi.
Tâm bất động là tài sản quý giá của ta. Ta chẳng dại gì để xảy mất tâm bất động đó. Tâm bất động vừa là hạnh phúc của ta, vừa là trí tuệ của ta, vừa là đạo đức của ta. Kẻ kia chỉ nói vài câu xúc phạm, chẳng tốn đồng nào, sao ta lại nổi giận lên làm mất tài sản nội tâm của mình.
Hoàn cảnh ngang trái bất lợi, sao ta lại khởi tâm buồn khổ để tổn thất nặng hơn.
Hoặc kẻ kia mưu hại làm cho ta khốn cùng đau đớn, ta nuôi lòng căm thù chỉ làm cho ta mất mát công đức đạo đức thêm mà thôi.
Có 3 cách để ta giữ được nội tâm bất động.
Cách thứ nhất là ta suy nghiệm luật Nhân quả. Chắc ngày xưa ta cũng xúc phạm ai nên bây giờ bị xúc phạm lại. Do nhận lỗi về mình nên ta có sức mạnh nội tâm, khiến cho tâm vững vàng bất động. Nhận lỗi về mình là phương pháp tạo sức mạnh nội tâm rất lớn.
Cách thứ hai là ta quen tu tập thiền định của đạo Phật, của khí công, của yoga... Nhờ theo dõi hơi thở lâu ngày mà tâm ta trầm lắng yên tĩnh. Bây giờ gặp nghịch cảnh thế nào, tâm cũng bình thản bất động.
Cách thứ ba là ta hay bày tỏ sự kính trọng với các bậc thánh có nội tâm bất động tuyệt đối. Mỗi người theo tôn giáo mình sẽ tìm thấy vị thánh nơi tôn giáo mình có được nội tâm bất động tuyệt đối như thế để lễ bái tôn kính mỗi ngày. Luật Nhân quả sẽ âm thầm tạo nên sức mạnh nội tâm cho ta, khiến ta giữ được bình tĩnh khi gặp nghịch cảnh. Ta tôn kính bậc thánh thì ta có được phẩm chất của thánh, đó là quy luật.
Còn một phương pháp để giữ tâm bất động nữa đó là tâm thương yêu tha thứ. Người tu dưỡng ở cấp độ cao, phát triển tình thương yêu rộng lớn đến muôn loài, sẽ tự nhiên có sức mạnh nội tâm vĩ đại, thừa sức vượt qua các nghịch cảnh trên đời. Kẻ mưu hại hay xúc phạm ta cũng là những kẻ ta nguyện yêu thương, nên dễ dàng tha thứ. Ta chẳng giận hờn căm ghét gì ai cả. Chỉ có là ta phải nghiêm khắc để dạy dỗ, chứ không ghét bỏ.
Người bình thản nhẫn nhịn được như thế là người có đức độ lớn, xóa được tội chướng quá khứ, xây được thiện phúc tương lai, làm tấm gương đạo đức cho mọi người học tập, ngay cả quỷ thần cũng phải cảm phục yêu mến.
Nguồn: Nền tảng đạo đức