Đoàn từ thiện được Ủy ban Mặt trận xã hướng dẫn đi phát quà từ thiện cho đồng bào nghèo ở xã vùng xa. Họ mang quà đến tận hộ gia đình để phát. Chính quyền địa phương cũng muốn họ đi từng nhà nghèo để chứng kiến tận mắt, và cũng để hiểu sự minh bạch của chính quyền. Phát quà xong là đã quá trưa, tất cả kéo về hội trường xã để nghỉ ngơi ăn uống. Họ cũng gửi tặng cán bộ xã 50 phần quà.
Ông chủ tịch xã đến bắt tay chào đoàn từ thiện và phát biểu cám ơn. Ông có nói câu này:
– Chúng tôi nhìn phần quà và hiểu trong đoàn từ thiện của các anh chị có một trái tim rất tử tế sâu sắc. Phần quà bao gồm gạo đường dầu ăn, bao thư tiền, còn có vở viết sách giáo khoa cho học sinh, còn có tập sách mỏng nói về Nhân quả đạo đức, còn có tập sách hướng dẫn làm vườn thông minh. Có ai đó rất chu đáo đã nghĩ ra các điều này.
Đoàn ra về, chiều tối mới đến thành phố. Họ lại vào quán ăn trước khi chia tay nhau ai về nhà nấy.
Đang ăn, chợt Minh hỏi bác Vĩnh:
– Bác là nhà hảo tâm tài trợ chính cho hoạt động từ thiện của tụi con, nhưng ngay từ đầu bác đã ra điều kiện là không được nói gì về bác. Tại sao bác sợ lời khen vậy?
Mọi người cùng ồ lên hưởng ứng yêu cầu bác giải thích. Bác Vĩnh cười hiền lành đáp:
– Bác sợ lời khen, bác sợ người ta biết ơn, bác sợ chính bác nhớ công kể công. Bởi vì hồi trẻ bác chứng kiến một chuyện rất phũ phàng. Bác có anh bạn nghèo. Anh được một ông nhà giàu trong xóm giúp đỡ đi học thành tài đến kỹ sư nông nghiệp. Anh nhớ ơn ông nên nhà có cái gì vui đều mời ông đến tiếp đãi. Trong bữa tiệc ông lúc nào cũng kể về việc giúp đỡ anh bạn ấy ra sao, quan trọng thế nào, những lúc anh quá khó khăn nếu không có ông giúp đỡ thì giờ này đã thân tàn ma dại. Ban đầu ông kể thì anh bạn rất cảm động, ai nghe cũng ngưỡng mộ. Nhưng sau này ông kể mãi thì người bạn bác bắt đầu khó chịu vì xem đó là sự sỉ nhục. Câu chuyện kết thúc ở chỗ hai bên từ mặt không nhìn nhau nữa, thực sự xem nhau như kẻ thù. Bác chứng kiến từ đầu nên rút ra bài học, Làm ơn không nên nhớ, Làm điều Thiện nên quên công, thì mình còn phúc, còn tình cảm với mọi người. Bác không muốn ai biết gì về sự đóng góp từ thiện của bác để bác còn được thần thánh trên cao yêu mến.
Chúa Jesus có dạy: Khi bàn tay phải bố thí thì đừng cho bàn tay trái biết.
Chính mình đừng nhớ nghĩ đến việc thiện của mình thì huống hồ là nói cho người khác biết. Chính mình quên công của mình thì cần chi người khác biết đến công của mình. Nhưng nói vậy chứ làm không dễ. Khi ta bỏ ra tiền bạc, công sức, thời gian để giúp đỡ tha nhân, ta buộc phải nhớ đến công lao của mình. Tiền bạc là máu thịt, công sức là tâm trí, còn thời gian thì ai cũng biết là vàng bạc. Hao tốn máu thịt tâm trí vàng bạc thì không thể quên được, phải nhớ, phải tự hào, phải kể lể.
Nhưng khổ nỗi, nếu tự hào thì đạo đức ta mất dần, nếu kể lể thì sinh oán hận. Làm càng nhiều, tự hào càng nhiều, thì đạo đức có khi bị âm luôn. Đó là lý do ta thấy có những người giàu có mà kém đạo đức, có lẽ chỉ vì họ tự hào từ những điều thiện làm được đâu ở kiếp trước.
Làm phúc mà không được ghi nhớ kể lể công lao là điều cực kì khó khăn, là sự thử thách rất lớn cho trí tuệ. Ta phải tinh tế quan sát nội tâm của mình để phát hiện và khống chế cái tâm kể công tự hào đó. Nếu ta không đủ thông minh để hiểu được lòng mình thì ta sẽ bị cái tâm tự hào nổi lên đánh gục.
Ngày xưa nhà vua cũng sợ các công thần lộng quyền. Ngày nay Bác Hồ cũng cảnh báo về tư tưởng công thần của cán bộ. Cuộc đời thì sợ người kể công. Còn ta thì phải biết sợ cái tâm nhớ công của chính mình.
Trần Chánh Nhân