Mẹ muốn ngăn ký ức tuổi thơ của con có thêm một câu chuyện nên mẹ viết và muốn kể cho con nghe. Chuyện về “Bà không có tiền”...
Sự thơm thảo của những tấm lòng sẽ lặng thầm gửi trao khiến tâm trí con người vơi bớt sóng sánh, hoang hoải.
Mấy hôm rồi trời nắng gắt. Dưới bóng nắng phập phùng nổi lửa, thỉnh thoảng tôi vẫn mường tượng bóng dáng lầm lũi bước chậm chạp bên lề đường của một bà cụ. Đã lâu chẳng còn bóng bà hằn vết kham khổ… Đã lâu chẳng còn dáng bà in dấu cô độc…
Nhớ hồi con bé tí ti có một cô bé thơ ngây cứ ngóng bóng dáng bà cụ nghèo và thủ thỉ dặn mẹ nhớ dành tặng bà tiền để bà ăn bánh, để bà uống nước và bà mua áo mới mặc…
- Mẹ ơi, “Bà không có tiền” mẹ tề!
Đưa muỗng quẹt làn sữa mỏng đọng dưới cằm con gái ba tuổi, tôi chậm rãi nhìn ra đường theo hướng tay con chỉ. Chậm thôi, vì lúc nào trong đầu tôi cũng in sẵn một số phận khắc khổ. Vẫn cái lưng khòm ấy, vẫn bộ quần áo nhàu nhĩ, vẫn bước chân khập khiễng lê từng bước, vẫn đôi dép kéo xoèn xoẹt dưới đất, vẫn cái tay tật nguyền co quắp vào hông, bà cụ đang cố gắng bước về phía ngôi chợ làng nhỏ bé.
“Bà không có tiền” – đó là cái tên mà con gái tôi thường gọi bà mỗi lúc chuyện trò. Bao tức giận, tạo hóa dường như dồn vào cả cho người phụ nữ già nua ấy. Tật nguyền, già cả, không chồng, không con, sống cô đơn, sống âm thầm, sống khốn khổ. Chỗ dựa của bà ấy là đám cháu gọi bằng o. Nhà bà tận phía bên kia cầu, sáng sớm, bà đứng lặng ở góc chợ đầu mối gần nhà, chìa cái mũ chờ sự sẻ chia. Xế trưa, lê bước một quãng về ngôi chợ làng. Lặng lẽ.
Thương cho một kiếp người. Rồi nghe chú xích lô gần nhà kể về bà mà xót cả ruột. Hôm ấy là ngày cuối năm, lạnh giá, mưa lất phất, chú đẩy chiếc xích lô dính bột mì xuống sông rửa xe. Xe chưa xuống tới bến, chú buông cả xe chạy ào xuống chụp lấy tay của bà ấy kéo lên khỏi dòng nước vô tình. Thì ra trong lúc rửa chân, bà bị ngã, không thể kêu, bà ú ớ, quẫy đạp và thoát khỏi thần chết trong gang tấc. Chú đặt bà lên xe, chở bà về nhà, gặp những khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm.
- Chúng nó dửng dưng như không. Tui dắt bà vô tận giường, không một tiếng cảm ơn tui, không một lời thăm hỏi bà ấy. Đời đáng buồn!
Ừm, cuộc đời quả thật đáng buồn lắm. Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Kẻ sung sướng sa đọa, người tật nguyền khao khát sống… Ngôi chợ quê tôi nhỏ lắm, nhưng người ra kẻ vào tấp nập. Vậy mà mỗi ngày trong cái mũ chìa ra ấy, có được mấy đồng đâu. Người ta có thói quen là đi chợ xong, còn tiền lẻ thì cho, chẳng ai đổi tiền chẵn ra rồi cho bao giờ. Còn chưa kể không ít người nắm trong tay vô số tờ tiền lẻ lại ngó lơ đi và lướt qua thật nhanh khỏi con người đáng thương ấy.
Tôi bâng quơ nghĩ về những người luôn tự nhủ mình không cho thì kẻ khác sẽ bố thí, hôm nay mình không cho vài đồng thì mai bố thí chút là được. Vậy đó, tấm lòng nhân ái luôn có nhiều lí do để khép cửa và đóng sầm luôn cánh cửa hi vọng sống của những mảnh đời bất hạnh.
- Tí nữa mình đi chợ, mình cho bà tiền mẹ hí!
- Ừ, nhất định rồi con!
Tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột và mỉm cười nhìn con gái. Hai mẹ con cố gắng mỗi lúc có đi chợ, dành cho bà những tờ năm nghìn và mấy ngày mới nhận lương là những tờ mười nghìn. Không có mấy nghìn đó mỗi ngày, mình vẫn không thiếu thốn gì cả. Nhưng bà có thêm mấy nghìn đó, cộng với những nghìn khác, đó là cả sự sống. Tôi muốn tập cho con, từng chút một, trái tim yêu thương và sự sẻ chia.
Bé con không tỏ vẻ sợ sệt chút nào trước người phụ nữ già nua với bàn tay co quắp và khuôn miệng ú ớ ấy đâu. Con nhìn bà, chìa tay đặt tờ tiền vào mũ của bà và thỏ thẻ kể về bà thật thân thiện. Ánh mắt bà cụ bật sáng và khuôn miệng ú ớ chẳng thành tiếng, thành lời.
Con đưa ánh mắt tỏ ý không hiểu bà nói gì. Tôi vỗ nhẹ lưng con rời đi rồi khẽ khàng kể với con về đôi môi tắt tiếng của người bà con gặp mỗi ngày. Bé con lúc lắc đôi tóc cột nơ gật gù ra vẻ đã hiểu và tựa vào tai tôi thốt khẽ: “Mình nói nhỏ thôi kẻo bà nghe bà buồn phải không mẹ?”. Tôi xoa đầu con bật cười.
Mười giờ sáng một ngày cuối tháng 5 năm ấy. Trời bỗng nhiên âm u. Bao nhiêu nắng sáng nay biến mất. Mây đen kéo nhanh đến. Đúng là nắng mưa là việc của trời, không báo trước. Mưa tầm tã trút xuống từng cơn. Mưa mùa hạ đó. Chợt đến rồi chợt đi. Con gái cứ lon ton theo mẹ hỏi nắng đâu, ông mặt trời đâu và gọi mẹ thánh thót:
- “Bà không có tiền” mẹ tề.
Tôi lại giật mình, nhìn ra. Trong màn mưa nặng hạt đó, bà đang bước, không thể nhanh, từ mái hiên này sang mái hiên khác và dừng lại ở ngôi nhà đối diện bên kia đường. Không áo mưa, không dù, không nón, chỉ có cái mũ quen thuộc đội trên đầu.
- Bà có bị ướt không mẹ?
- Có.
- Răng bà không mặc áo mưa?
- Bà không có con à.
Mẹ bà không cho bà hở mẹ ?
- Ừm, mẹ bà không cho, nhiều người không cho…
Con đường vùng ven thành phố này nhà cửa san sát. Từ chợ lên đến đây, bà ấy đã đi qua khoảng hơn chục ngôi nhà. Đang giờ cơm trưa. Bên mâm cơm sum vầy, không lý nào người ta không trông thấy một bà lão tật nguyền đi dưới mưa. Vậy mà, không có một cái áo mưa cũ nào cho đi. Tôi thấy lòng nghèn nghẹn.
- Vì răng không cho rứa mẹ?
- Có lẽ là họ quên... Con đứng đây, mẹ đem cho bà cái áo mưa. Con có tiền không, cho bà với ?
- Con có nì...
Con bé đưa tay vào chiếc túi áo, móc ra, bụm lại, đặt vào tay tôi.
- Mẹ cho bà giùm con với!
Tôi mỉm cười nắm lấy mớ không khí trong tay :
- Con gái giỏi quá! Phải biết thương bà và cho bà chứ. Mẹ thay bà cảm ơn con. Chụt!
…
Sáu năm rồi con gái nhỉ, mẹ con mình không còn bắt gặp cái dáng lẻ loi và tội nghiệp của bà. Bà mất, lặng lẽ như sự sống lầm lũi mỗi ngày vậy.
Góc chợ quê vắng hẳn bóng dáng một người. Con vẫn thường hỏi về bà. Rồi ngày qua ngày, “Bà không có tiền” dường như phủ bụi mờ hóa thành một ký ức xa xăm…
Sáu năm rồi, mỗi ngày một chút kỷ niệm được tích cóp, chen chúc nhau trong mái đầu bé tí của bé con. Con quên mất bóng dáng chầm chậm bước trên đường làng của một người. Quên đôi tay co quắp chìa ra chiếc mũ cũ mèm. Quên ánh mắt dịu hiền và khuôn miệng ú ớ chẳng nên lời…
Nhưng mẹ không muốn con quên lãng một miền nhớ về “Bà không có tiền”. Mẹ muốn ngăn ký ức tuổi thơ của con có thêm một câu chuyện nên mẹ viết và muốn kể cho con nghe. Chuyện về “Bà không có tiền” và hơi ấm của bé con ba tuổi cùng tấm lòng thơm thảo…
Mong lắm thay những tháng ngày đơn lẻ, côi cút, thiếu thốn và lặng thầm của bà thỉnh thoảng được sưởi ấm bằng tấm lòng của người dưng. Như có lần mẹ trông thấy bác ở tiệm bán thuê băng đĩa nhạc gần nhà mình bước qua đường dúi vào tay bà gói xôi nóng. Như có lần mẹ thấy bà tha thẩn ghé vào nhà kia có dì trạc tuổi con bà vội pha ly nước mời mọc. Và như những lần bà đón nhận món quà nhỏ cùng nụ cười khoe hàm răng sún của bé con…
St