Khởi nghiệp từ một đề án
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nguyễn Hùng là một ông chủ trẻ thân thiện, am hiểu sâu về chuyên ngành tóc, cháy bỏng niềm đam mê với nghề và trong tâm luôn đặt lòng biết ơn lên trên hết.
Hùng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng salon Cây kéo vàng, tôi ngạc nhiên trước sự bài trí khéo léo ở đây. Tầng hầm được thiết kế trang nhã với tông màu vàng dịu, phục vụ dịch vụ làm đẹp và gội đầu dưỡng sinh. Tầng trệt là trung tâm của salon, chuyên các dịch vụ cắt, sấy, gội, nhuộm, tạo kiểu tóc… Khu vực này lúc nào cũng đông khách ra vào. Tầng 2 được Hùng dành cho lớp dạy nghề làm tóc, các học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể ở lại salon làm việc hoặc ra riêng. Một điều đặc biệt là nhiều năm qua, Hùng luôn miễn học phí đối với học viên hoàn cảnh khó khăn.
Trong đào tạo, Nguyễn Hùng luôn nhiệt huyết truyền đạt đến học viên kiến thức, kinh nghiệm và niềm đam mê với nghề tóc - Ảnh: Trương Hiện
Cho chúng tôi xem chiếc tông-đơ sử dụng khi mới ra nghề - một vật kỷ niệm được cất giữ kỹ - Hùng kể về cơ duyên đến với nghề tóc. Năm 2009, khi Đề án 1956 về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” triển khai trên địa bàn tỉnh, chàng trai 15 tuổi Nguyễn Hùng khi ấy đã ròng rã 3 tháng trời đi xe đến xã Thanh An, huyện Hớn Quản để học nghề cắt tóc. “Khi đó, nhà tôi rất khó khăn. Tôi quyết tâm học thành nghề để đi làm phụ giúp gia đình. Tôi luôn nhớ ơn thầy cô cùng các anh chị đoàn thanh niên khi đó đã luôn bên cạnh ủng hộ, động viên tôi” - anh Hùng xúc động nói.
Hoàn thành lớp học nghề, Hùng đến Đồng Xoài, TP. Hồ Chí Minh làm trong các salon có tiếng để trau dồi tay nghề và học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2012, Hùng mở tiệm cắt tóc đầu tiên do chính mình làm chủ. Trải qua những thất bại buổi ban đầu, đến nay Hùng đã thành công với hệ thống Hairteen Hùng gồm 8 salon tóc ở Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Các salon này đã và đang tạo việc làm cho 80 nhân viên với mức thu nhập ổn định. Một cách quản lý nhân sự khá hay của ông chủ trẻ này đó là tiền lương hằng tháng của nhân viên sẽ tính theo sản phẩm, làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít. Chính điều đó đã khích lệ mọi người chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề, phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
|
Chị Lê Thị Bích Liễu, nhân viên salon Cây kéo vàng chia sẻ “Môi trường làm việc ở Hairteen Hùng rất chuyên nghiệp. Anh em luôn giúp đỡ lẫn nhau, tay nghề của tôi ngày một đi lên. Thầy Hùng chỉ bảo tôi rất nhiều trong công việc. Tôi cảm thấy vui khi làm việc tại đây”.
Chiếc tông-đơ đầu tiên luôn được Nguyễn Hùng lưu giữ như một “bảo vật” - Ảnh: Trương Hiện
Còn học viên Phạm Chí Thành hào hứng nói: “Sau thời gian học, em cảm thấy tay nghề của mình vững hơn, nắm bắt được những kiến thức cơ bản. Bây giờ mỗi lần sờ vào mái tóc trong giờ thực hành là em muốn cầm kéo cắt liền, như muốn bung hết, muốn sáng tạo được nhiều kiểu tóc hơn”.
Cho đi là còn mãi
Đến làm tóc ở salon Cây kéo vàng, bà Lê Thị Hiền, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh cho biết, bà là khách hàng quen thuộc ở đây nhiều năm. “Các bạn nhân viên cắt tóc cẩn thận, kiểu tóc đẹp và hợp ý tôi. Cung cách phục vụ luôn vui vẻ, tận tình, tôi cảm thấy hài lòng” - bà Hiền nói.
Cũng như bà Hiền, nhiều người dân thị trấn Lộc Ninh và vùng lân cận nhớ đến thương hiệu Hairteen Hùng bởi những kiểu tóc thời trang cùng cung cách phục vụ tận tâm. Còn đối với trẻ em và bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dấu ấn về Hairteen Hùng giản dị là hình ảnh những bạn trẻ khéo tay, chu đáo và luôn cắt tóc miễn phí cho họ.
Nguyễn Hùng gợi ý cho nhân viên một mẫu tóc phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi - Ảnh: Trương Hiện
Nguyễn Hùng cho hay, hiện anh là Bí thư Chi đoàn Tóc nghệ thuật huyện Lộc Ninh (trực thuộc Huyện đoàn Lộc Ninh). Chi đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức đoàn thanh niên từ huyện đến cơ sở đi cắt tóc miễn phí cho bà con và trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa trong huyện. Những chuyến đi ấy càng giúp anh hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của hai chữ “sẻ chia”.
Liên quan đến việc hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, Nguyễn Hùng đã lấy chính trường hợp của mình làm ví dụ. “Nghề tóc khá phù hợp với các bạn có hoàn cảnh khó khăn bởi chi phí đầu tư không cao; sau khi học xong, chỉ cần những dụng cụ cơ bản là có thể hành nghề. Điều quan trọng là bạn phải có nhiệt huyết, sự cần cù, sáng tạo trong công việc và hết lòng trao đi giá trị tốt đẹp đến khách hàng” - anh Hùng chia sẻ.
Từ khi bén duyên với nghề, Nguyễn Hùng đã nhiều lần tham gia lễ hội ngành tóc Việt Nam và được vinh danh “Cây kéo vàng”. Anh từng nhận được giải thưởng cống hiến “Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngành tóc Việt Nam”; đạt chứng nhận là nghệ nhân tóc; vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành… Tất cả sự ghi nhận đó là động lực để anh tiếp tục triển khai những dự án đang ấp ủ: nâng cấp hệ thống salon; mở các khóa đào tạo học viên chuyên nghiệp; tham gia các chuyến thiện nguyện…
Và trên hết, Nguyễn Hùng mong muốn ngày càng trao đi nhiều hơn những giá trị sống tốt đẹp tới cộng đồng. Đó như là cách để anh đền đáp công ơn, sự giúp đỡ của mọi người dành cho mình thuở hàn vi.
Theo BPO