Chánh án yêu cầu bị cáo đứng lên nghe tuyên án. Dù luật sư đã cố gắng hết sức, nhưng thằng Lưu vẫn bị tuyên 10 năm tù vì tội hiếp dâm và tàng trữ ma túy. Cảnh sát dẫn thằng Lưu ra khỏi phòng xét xử để lên xe đi thụ án. Ông Hoàng gục đầu xuống bàn, hai tay ôm đầu run run, nhưng không còn nước mắt để khóc. Danh ngồi bên cạnh ôm bố an ủi.
Nhân viên tòa án đến muốn mời hai bố con đi ra để họ chuẩn bị cho phiên tòa kế tiếp, nhưng không nỡ nói gì. Họ hình như cũng quen với cảnh này. Cuối cùng rồi Danh cũng dìu được bố ra về.
Ngồi trong phòng khách chỉ có hai cha con, ông Hoàng kể lể:
- Mẹ con mất khi con mới 10 tuổi, thằng Lưu được 8 tuổi. Ba yêu mẹ con với tình yêu tuyệt đối. Nếu không vì hai đứa con thì ba đã tự tử để đi theo mẹ con. Nhưng vì hai đứa con mà ba phải ráng sống để nuôi các con. Con biết đó, không có mẹ con bên cạnh, ba như mất hết cuộc đời. Nhưng ba cố gắng hết sức để làm ăn giàu có mong cuộc đời các con được sung sướng. Ơn trên phù hộ thế nào mà việc kinh doanh rất thuận lợi, nhà ta cứ giàu lên mãi. Ba quyết không lấy vợ để sống chung thủy với mẹ con. Tất cả tình thương ba dành hết cho hai con, và tài sản này rồi cũng sẽ là của các con.
Ba cho các con những điều kiện học tập tốt nhất, đắt tiền nhất. Ba lo cho các con mọi thứ trong cuộc sống này tốt nhất. Ba chỉ mong nhìn thấy các con lớn lên trong hạnh phúc, thành đạt, để ba yên lòng ra đi theo mẹ con.
Nhưng ba đã sai lầm điều gì chăng mà thằng Lưu trở thành một đứa hư hỏng bất trị. Nếu ba sai thì tại sao con lại ngoan ngoãn nên người. Ba nghĩ mãi không ra. Ba thương hai đứa như nhau, dạy dỗ hai đứa như nhau, tạo điều kiện học hành như nhau… Nhưng một đứa thì nên một đứa thì hư, tại sao?
Ông Hoàng lại ôm đầu run run.
Danh ứa nước mắt mà chẳng biết giải thích sao nữa.
Ông Hoàng ngước lên đưa cặp mắt lờ đờ lạc thần nhìn Danh hỏi:
- Con nói cho ba nghe tại sao con nên người đi.
Danh ngập ngừng suy nghĩ rồi đáp:
- Thưa ba, con nhớ có lần con với thằng Lưu cãi nhau kịch liệt. Lúc đó con phát hiện nó trốn học đi chơi game, con rầy nó. Nó nói rằng ba rất thương nó nên nó chẳng việc gì phải lo. Con nói rằng càng được ba thương thì anh em mình càng phải cố gắng để xứng đáng với tình thương của ba chứ. Nhưng hình như nó không hiểu.
Ông Hoàng chợt sáng mắt kêu lên:
- Đúng rồi, chìa khoá chính là chỗ này. Đứa được ba thương thì ỷ lại, đứa được ba thương thì cố gắng xứng đáng. Hai suy nghĩ trái ngược đã tách hai đứa ra hai hướng khác nhau. Ba ngu quá không hiểu chỗ này nên mất một đứa con hu hu….
Có lần trong nghị viện, Napoleon đã hét lên với mọi người rằng ông ta được thần chiến tranh và thần may mắn hộ mệnh. Chẳng biết là khi ông ta tin điều đó thì ông ta rơi vào bệnh ỷ lại hay trở nên phấn đấu cho xứng đáng với tình yêu thương của thần thánh. Nhưng cuộc đời của ông không được một happy ending, nên có lẽ ông bị rơi qua khuynh hướng ỷ lại.
Hầu hết chúng ta đều ỷ lại khi được bảo bọc yêu thương. Rất ít người biết cố gắng cho xứng đáng với tình yêu thương đó. Con cái được cha mẹ yêu thương, vợ chồng được người phối ngẫu yêu thương, thuộc hạ được thủ lĩnh yêu thương, đệ tử được sư phụ yêu thương, công dân được đất nước yêu thương, tín đồ tin mình được thần thánh yêu thương… Ta hạnh phúc khi được yêu thương, và ta ỷ lại rồi kiêu hãnh. Sự ỷ lại làm ta không chịu phấn đấu rèn luyện. Tâm kiêu hãnh làm ta xem thường người khác. Kết cục là ta đi vào thất bại khổ đau.
Người có trí tuệ và đạo đức thì lại cảm thấy lo lắng khi được thương yêu vì sợ mình không xứng đáng với tình thương yêu đó. Vì lo sợ như vậy, vì sợ người thương mình thất vọng, nên kẻ đạo đức luôn tìm cách làm gì đó, sống làm sao đó, phấn đấu thế nào đó, thực hiện điều gì đó, để người thương mình được hài lòng vui sướng. Càng được thương yêu thì lại càng cố gắng rất nhiều để tu dưỡng, cống hiến, chứ không dám ỷ lại rồi hư hỏng. Người có đạo đức như vậy thì sẽ nhận được nhiều yêu thương hơn. Còn kẻ ỷ lại kiêu hãnh thì cuối cùng mất hết.
Chân Quang