- Hôm nay lại gặp cậu ở đây.
Linh giật mình quay lại, thì ra ông cụ bán nước trên đường đèo ở vùng núi Tây Bắc hôm nào. Linh vui vẻ nhích người lên ngồi ngang với ông và hỏi:
- Sao bác lại vào đây ạ? Hôm trước nhờ ý kiến của bác mà cháu phá án rất nhanh. Anh em bám theo bố mẹ của nó rồi tóm được thủ phạm. Nhưng sao chiều hôm đó đi về cháu nhìn mãi không thấy cái quán lá của bác đâu cả?
Người đàn ông đứng tuổi mỉm cười đáp:
- Chắc tại cậu bận tâm suy nghĩ về vụ án nên đi lướt qua quán của tôi mà không thấy chứ gì.
Linh lục lại ký ức của mình mà hoang mang, vì rõ ràng hôm đó anh rất tỉnh táo, lái xe đi chậm chậm cố ý tìm lại cái quán lá mà không thấy. Nhưng thôi.
- Thế bác vào đến Nha Trang này có việc gì à?
- Thì ở đâu có duyên mình đến, ai có duyên mình gặp. Biển đẹp nhỉ.
Linh hiểu ông chủ quán lá lảng tránh câu trả lời nên lịch sự không hỏi kiểu điều tra nữa. Linh lại nói;
- Thưa bác, hôm trước bác nói về khuynh hướng phạm tội sẽ hình thành khi con người có tâm lý bất kính bậc đáng kính. Cháu suy nghĩ mãi hơn tháng trời mới bắt đầu cảm nhận được phần nào, và thấy rất có lý. Nếu ngành giáo dục biết ứng dụng nguyên lý này thì xã hội sẽ bớt tội phạm. À, sẵn cháu hỏi bác điều này chút, làm sao để tạo ra được những đứa trẻ thông minh ạ?
Người đàn ông mỉm cười đáp:
- Chắc là con của cậu cũng được vài tuổi rồi.
- Bác đoán cái gì cũng đúng. Vâng thằng bé được 3 tuổi rồi bác ạ.
- Thật ra thì trí thông minh có tính bẩm sinh, người này khác người kia ngay từ lúc mới chào đời. Tại sao có sự khác biệt này thì phải phân tích nhiều nguyên nhân lắm, vừa nguyên nhân khoa học, vừa nguyên nhân tâm linh, vừa nguyên nhân tội phước dòng họ tổ tiên đủ cả. Tuy nhiên, cũng với đứa trẻ đó, nếu ta biết nuôi dạy ''một cách thông minh'' thì đứa trẻ đó sẽ thông minh hơn cái bẩm sinh của nó.
Linh lắng nghe hào hứng.
Người đàn ông nói tiếp:
- Cậu có thấy một số vùng miền nghèo khổ mà sản sinh ra nhiều anh tài cho đất nước không?
- Vâng, chính con cũng được sinh ra từ một tỉnh miền trung nghèo khó, nhưng con học rất giỏi, tốt nghiệp đại học an ninh thủ khoa xuất sắc ạ. Bạn bè nói vì con ở vùng địa linh nhân kiệt gì đó.
- Chẳng địa linh nhân kiệt gì cả, chỉ cần một chút khó khăn, một chút đạo lý, một chút liêm sỉ, thì các đứa trẻ đều sẽ giỏi. Bộ não của trẻ sẽ trở nên nhanh nhạy hơn, hay sẽ trở nên đần độn là do khoảng thời gian từ sơ sinh đến mười tuổi. Cũng mức thông minh bẩm sinh đó, nhưng nếu biết nuôi dạy thì nó sẽ thông minh lên gấp mười lần. Cũng mức thông minh bẩm sinh đó, nhưng nếu nuôi dạy sai thì sẽ ngu dần đi. Thời gian quyết định là mười năm đầu đời. Sau đó thì bộ não sẽ có mức khôn hơn hay ngu hơn chậm đi, cứ đều đều mà hoạt động. Mười năm đầu bộ não thay đổi rất nhanh.
Muốn cho bộ não đứa trẻ thông minh lên thì cha mẹ cũng phải rất thông minh, biết tạo ra tình huống phức tạp để tập cho trẻ phải biết tư duy phức tạp dần. Ví dụ trẻ đói nhìn thấy chai sữa, muốn bò đến lấy, nhưng ta phải tạo ra một vài chướng ngại đơn giản cho trẻ tự xoay sở giải quyết rồi mới lấy được chai sữa.
Khi lớn lên một chút, có khách đến nhà, ta buộc trẻ phải bước ra chào khách. Nhưng ta sẽ hỏi trẻ gọi khách là gì, chú bác cậu anh... Trẻ phải suy nghĩ để tìm ra đáp án. Nói chung, cha mẹ phải thông minh đẩy trẻ vào tình huống phải khởi lên tư duy phức tạp chứ đừng để cho trẻ sống nhàn nhàn mà đần đi. Nhiều nhà giàu có gene thông minh, nhưng nuông chìu con quá, lúc nào cũng có người phục vụ, trẻ không phải động não suy nghĩ gì, thế là cái bộ não có gene thông minh kia qua mười tuổi là đần bớt đi.
Hay nhất là tập cho trẻ xử lý những vấn đề thuộc về đạo đức, trẻ sẽ phát triển cả hai đồng đều. Vì dụ, khi nhìn thấy người nghèo khổ, ta sẽ hỏi trẻ tại sao họ nghèo, ta nên giúp đỡ như thế nào. Dĩ nhiên mới mấy tuổi đầu thì làm sao có câu trả lời đúng được, nhưng trẻ phải bị ép khởi lên tư duy phức tạp về đạo đức.
Rồi ta hỏi trẻ, ''nếu con ở nhà một mình, có khách đến thăm, con sẽ làm sao?''
Trẻ sẽ trả lời chưa đúng, ta sẽ sửa và gợi ý cho trẻ dần dần đi đến đáp án đúng nhất. Trẻ sẽ biết lường trước nguy hiểm để phòng tránh.
Ta hỏi trẻ, nhìn thấy tiền của ai đánh rơi, sẽ làm gì. Trẻ trả lời thế nào thì ta lại phản biện hỏi tiếp.
Suốt ngày ta cứ hỏi trẻ chuyện này chuyện kia để buộc trẻ phải tư duy phức tạp từ rất sớm. Cách giáo dục này thì cha mẹ phải thông minh và có tấm lòng mới kiên trì thực hiện được. Nhưng lâu ngày, trẻ thông minh hơn thấy rõ, ta sẽ rất vui và hào hứng dạy tiếp.
Linh bái phục vì triết lý của ông, bất chợt hỏi:
- Mãi mà cháu vẫn chưa hỏi tên bác, bác tên gì ạ?
- Tôi tên Minh.
- Bác vào đây ở nhà ai vậy?
- Tôi đi đâu cũng có người quen ở nhờ được hết mà.
- Thế bác có vào thành phố Hồ Chí Minh bao giờ chưa?
- Có chứ, tôi có người bạn tên Hải ở quận 9. Ông này có mở một cái thiền đường cho mọi người đến tập tĩnh tâm miễn phí, cũng hay lắm.
- Cháu cũng nghe nói về tĩnh tâm, nhưng chưa hiểu lắm. Tĩnh tâm tức là không suy nghĩ gì phải không bác, làm cho tâm trí mình nhẹ nhàng thoải mái phải không bác.
- Đúng vậy.
- Thế, nếu mình không suy nghĩ gì nữa thì có bị đần từ từ đi không bác à?
Ông Minh mỉm cười đáp:
- Muốn cho tâm mình yên tĩnh là cả một bài toán cực kỳ khó khăn. Xoay sở làm sao cho tâm mình yên tĩnh chính là cái tư duy phức tạp nhất Địa cầu, nên cậu đừng lo, càng tập tĩnh tâm thì ta càng sẽ rất thông minh. Nếu cậu vào thành phố Hồ Chí Minh nhớ tìm đến cái thiền đường của ông Hải mà tập phép tĩnh tâm nhé.
- Vâng cháu sẽ nghe lời bác.
Rồi ông Minh chào rời đi.
Ai có rảnh ngồi soạn ra các kỹ xảo dạy trẻ từ bé như thế sẽ rất có lợi cho xã hội. Các nhà trẻ nên áp dụng phương pháp buộc trẻ tư duy phức tạp dần từ rất sớm thì ta sẽ có những thế hệ về sau rất thông minh.
Ta ép trẻ phải cân nhắc tư duy chọn lựa hành động sao cho phù hợp đạo đức, lẽ phải. Như thế vừa gợi mở sự thông minh, vừa vun đắp đạo đức. Trẻ sẽ được cân bằng tâm lý, lớn lên có lợi cho xã hội.
Nguồn: https://www.facebook.com/nentangdaoduc/posts/2352225631732705