Một hôm nó chạy thục mạng từ rừng về rồi chạy tuốt vô nhà leo lên gác nằm trốn, dặn nội là ai hỏi nói không có gì. Mà thật, lát sau có mấy thợ rừng thứ thiệt, cầm dao và súng săn đi vào xóm như tìm ai, với vẻ mặt giận dữ. Nội nó biết là thằng cháu mình gây sự rồi, phá cái gì của người ta rồi.
Mấy tay thợ rừng đi hết nhà này tới nhà kia tìm ai đó, cứ lùng sục nhìn mặt từng người, rồi cuối cùng cũng vào nhà nội nó. Nội nó ân cần mời uống trà ăn bánh rồi mới hỏi thăm chuyện gì. Mấy tay thợ rừng cũng khát nước và mệt nên vui vẻ ngồi uống trà ăn bánh rồi kể chuyện.
Số là họ sống bằng nghề bẫy bắt thú rừng và đốn gỗ. Nghề này bây giờ khó khăn vì kiểm lâm bắt dữ lắm. Nghe nói nhà nước cấm đốn cây lấy gỗ và bắt thú hoang dã vì bảo tồn thiên nhiên sao đó. Họ không rành luật pháp, chỉ biết nghề rừng cha truyền con nối bao nhiêu đời khổ cực.
Số thú bắt được phải lén lút đem đi tiêu thụ sao cho không bị kiểm lâm hay cảnh sát bắt. Có đứa bị dính 3 năm tù. Nhưng những tay đại gia rất thích thịt thú rừng vì nghe đồn ăn vào bổ dương sao đó. Bổ gì thây kệ, miễn chịu mua là họ bắt đem bán.
Nhưng suốt hai tuần qua các bẫy của họ bị ai phá hư hết. Có cả dấu vết thú bị dính bẫy rồi ai đó gỡ ra thả đi hay phổng tay trên lấy đi bán không biết. Có vết máu, có vết lông, nhưng bẫy thì bị bẻ mà thú thì không có. Ai đó rất hiểu cách đặt bẫy của họ nên đến moi lên, bẻ chốt, ném đi đâu. Cái này là phá nồi cơm của họ, bắt được là cắt cổ chôn xác trong rừng luôn.
Nội ngồi nghe mặt tỉnh queo nhưng mồ hôi sống lưng ướt đẫm. Thằng Sơn này bị đám thợ rừng lên án tử rồi. Nội nó hỏi tiếp là có biết ai phá bẫy không. Thợ rừng nói họ rình ba bữa nay thì trưa nay thấy một thằng chừng 16 tuổi đi chăm chăm tìm gỡ bẫy. Thằng này hình như không phải dân ở đây. Đám thợ rượt bắt nó thì nó chạy lanh như sóc mất tiêu. Họ chia ra mấy tốp bọc quanh xóm mà chưa tìm thấy nó đâu.
Họ nhờ nội nó để ý có thằng nào lạ mặt lảng vảng ở đây thì báo họ giùm. Nội cười vui vẻ rồi tiễn họ ra cổng. Khóa cổng cẩn thận, vô nhà khóa cửa cẩn thận, nội nó lên gác lôi nó ra hỏi nhỏ, hết chuyện sao đi phá người ta rồi gây thù chuốc oán nguy hiểm. Đám thợ rừng này rất du côn, miệng nói tay giết chứ không đùa.
Thằng Sơn phân trần là nó ăn học đàng hoàng nên hiểu rõ lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên. Nó chứng kiến các thú rừng bị bẫy đau đớn lòng nó xót xa chịu không nổi. Nó lên Internet nghiên cứu cấu tạo các bẫy rừng, nghiên cứu tính cách thợ rừng, nên rèn luyện sức khỏe chạy nhảy, mua sắm kềm cắt, chuẩn bị kế hoạch hành động.
Mùa hè này về thăm nội sẵn nó thực hiện mơ ước cứu mạng thú rừng bằng cách đi gỡ bẫy trong rừng. Nó biết việc này sẽ gây oán thù lớn với đám thợ rừng, nhưng nó liều thử xem sao. Nó cho rằng việc tìm gỡ bẫy thú rừng cũng là một việc làm phúc vì giữ cho thú rừng được an toàn hơn. Các thú rừng săn bắt ăn thịt lẫn nhau đã là quá khổ rồi, bây giờ thêm con người vô đặt bẫy nữa thì thú rừng hết đường sống.
Ông nội hay dạy tụi nó là phải siêng làm phúc, thì nó nghĩ gỡ bẫy thú cũng là việc làm phúc có ý nghĩa. Ông nội im lặng không nói gì, chỉ lặng lẽ xếp hành lý cho nó sẵn. Rồi ông đi đâu cả đêm. Khuya hai giờ ông trở về kêu Sơn theo ông đi ra đường lộ đón xe đi liền về thành phố, không được ở thêm ngày nào nữa. Sơn ôm ông nội rơi nước mắt rồi lên xe đi.
Thời đại mới, nhận thức con người tiến bộ, việc làm phúc thiện cũng sẽ khác hơn thời xưa. Con người vẫn có việc thiện là phóng sinh, nghĩa là bỏ tiền ra mua con vật sắp bị giết rồi đem thả cứu mạng nó. Nhiều người thả cả vài chục tấn cá xuống sông.
Nhưng lang thang trong rừng tìm gỡ bẫy thú thì ít ai dám làm, dù quả thật đây cũng là việc cứu mạng chúng sinh. Rừng nhiều thứ nguy hiểm, kẻ đặt bẫy bắt thú rừng cũng là dân hung tợn, va chạm với dân này rất phiền phức. Nhưng nếu để yên cho họ đặt bẫy mãi thì thú rừng tuyệt chủng hết.
Ước gì quân đội lâu lâu đi hành quân sẵn gỡ hết bẫy thú thì đám đặt bẫy "thú tặc" mới sợ không dám gây sự. Còn dân thường mà đi gỡ bẫy thú thì dễ bị đánh giết mất xác trong rừng.
St