Cứu trợ đúng lúc, đúng người
Câu chuyện thiện nguyện vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã được nhắc đến từ nhiều năm. Là người gắn bó với công tác này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sen Hồng (Bình Phước) Nguyễn Thị Bông cho hay: Dù làm thiện nguyện bằng hình thức nào thì đều trân quý, vì hành động này thể hiện rõ tinh thần yêu nước, yêu đồng bào của người dân Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, khi mạng xã hội đầy rẫy thông tin thật - giả, mỗi người dân phải tỉnh táo, sáng suốt để trao gửi yêu thương, tấm lòng của mình. Không nên vội vã huy động nhân lực rồi tự phát đến các nơi bão, lũ. Thay vào đó cần bình tĩnh, liên hệ với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ để lòng tốt được gửi đi đúng nơi, đúng lúc.
MTTQVN tỉnh Bình Phước tiếp tục nhận nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần “tương thân, tương ái” của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện đã tích cực tham gia cứu trợ kịp thời cho đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiên tai do bão số 3 và hoàn lưu sau bão. “Tuy nhiên, việc cứu trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc là một quá trình lâu dài, chứ không chỉ vài ngày. Rất mong người dân cũng như các nhà hảo tâm thực hiện công tác thiện nguyện trên tinh thần đồng cam, chia sẻ khó khăn và hết sức bình tĩnh” - ông Hà Anh Dũng đề nghị.
|
Cần phân luồng cứu trợ
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng cho rằng, trong những ngày này diễn biến thời tiết còn rất phức tạp. Mưa to, lũ lớn đang đe dọa các tỉnh phía Bắc và miền Trung, các đoàn, nhóm cứu trợ tự phát chưa có kinh nghiệm đến vùng này sẽ nguy cơ gặp nhiều rủi ro từ ngập lụt, sạt lở đất hoặc bị nước lũ cô lập… Những nguy cơ này vô hình trung sẽ gây thêm áp lực cho lực lượng cứu hộ và nhân dân tại địa phương. Bên cạnh đó, việc cứu trợ không có sự điều phối phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng nơi cần thì thiếu.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thành lập tổ tình nguyện, tổ chức trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa người dân ủng hộ
Đối với tỉnh Bình Phước, công tác vận động cứu trợ các tỉnh phía Bắc được Tỉnh ủy giao 2 đơn vị làm đầu mối tiếp nhận là UBMTTQVN tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Để việc tiếp nhận hàng hóa đảm bảo an toàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thành lập tổ tình nguyện, tổ chức trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa của người dân ủng hộ. Hàng hóa sau khi tiếp nhận được phân loại và vận chuyển ngay đến các địa phương đang cần, thông qua Bưu điện tỉnh.
Cập nhật tình hình thực tế tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung trong những ngày qua, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Tấn Hưng khuyến cáo, công tác cứu trợ của các nhóm thiện nguyện, cá nhân, doanh nghiệp cần có kế hoạch khoa học, nghiên cứu rõ lộ trình, diễn biến thời tiết, điểm đến, nhu cầu thực tế của người dân để tránh lãng phí. Hoạt động cứu trợ không chỉ diễn ra trong thời gian bão, lũ mà sau khi bão qua, lũ rút cũng rất quan trọng. Hiện người dân vùng lũ đã được cứu trợ kịp thời, không có ai bị thiếu ăn. Vì vậy, người dân không nên nôn nóng và hết sức bình tĩnh trong việc quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm, tham gia cứu trợ.
Những chuyến xe nghĩa tình của Hội Chữ thập đỏ tỉnh chở hơn 40 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con 7 tỉnh phía Bắc với mong muốn người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống (ảnh lớn). Những gói hàng cứu trợ gói cả thông điệp động viên, chia sẻ của Bình Phước đến đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bão số 3 (ảnh nhỏ)
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng chia sẻ: Thông qua kênh của MTTQVN các cấp và Hội Chữ thập đỏ, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ, đặc biệt là nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống nhân dân sau lũ, như thuốc chữa bệnh thông thường, bột giặt, quần áo, sách vở cho học sinh đi học trở lại... Ai cũng mong việc cứu trợ sẽ đến được người cần và ai cũng đang nhiệt huyết, sẵn sàng lên đường. Cần biến sức mạnh sẻ chia ấy thành hành động hiệu quả và hợp lý, từ những tính toán và cân nhắc phù hợp, trong tổ chức và vận động cứu trợ sẽ phát huy hiệu quả thiết thực hơn, tránh lãng phí.
Theo BPO