Trong cuộc sống hiện đại, xu hướng phân hóa giàu - nghèo đang diễn ra một cách rõ nét, nhất là khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa. Trong một thời gian đi thực tế khảo sát hộ nghèo ở cơ sở, tôi mới thấm thía được cảnh khốn khó của người nghèo, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cuộc sống với bao nhiêu lo toan vất vả, bươn chải để kiếm sống, nhưng nghèo đói vẫn bủa vây họ. Dù đã được học, được đọc và nhìn thấy khó khăn của người nghèo qua kiến thức sách vở, qua hình ảnh của những thước phim, nhưng khi chứng kiến thực tế, thì mới nhận ra khoảng cách thực tế và lý thuyết khác xa nhau lắm.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ giúp đỡ người nghèo sớm vươn lên ổn định cuộc sống, nhất là Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCT UBTWMTTQVN, ngày 07/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giảm nghèo bền vững là minh chứng rõ nét. Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, toàn tỉnh hiện có 14.267 hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) trong đó, có 2.743 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống trong những căn nhà dột nát, tạm bợ; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, và đồng bào vùng kháng chiến cũ không có khả năng tự cải thiện nhà ở, cần được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thành Hạnh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú đọc quyết định bàn giao nhà do công ty TNHH xổ số kiến thiết An Giang hỗ trợ xây dựng cho gia đình bà Phạm Thị Vu, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại Thông báo kết luận số 826-TB/TU ngày 01/3/2017 của Thường trực Tỉnh ủy, tháng 3, đoàn công tác của Mặt trận tỉnh cùng với các ban ngành chức năng liên quan đã có nhiều chuyến đi khảo sát thực tế cuộc sống của hộ nghèo tại các huyện, thị trong tỉnh. Qua khỏa sát thực tế cho thấy một số cán bộ cấp cơ sở đã có sự sâu sát đối với cuộc sống người dân, nắm chắc số đối tượng hộ nghèo trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên vẫn còn không ít trường hợp quan liêu và xa rời dân lắm. Cụ thể đó là trường hợp cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản khi dẫn đoàn đến khảo sát hộ nghèo thì đưa đến nhà một người phụ nữ đã nhường ngôi nhà gỗ khang trang, trị giá trên 200 triệu đồng cho con, rồi làm bên cạnh một căn nhà tranh tre vách lá để ở. Hay cùng một vị trí có 3 hộ thuộc diện hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nhưng cán bộ xóa đói giảm nghèo chỉ chọn một trong 3 căn nhà để đưa vào danh sách. Khi được hỏi thì trả lời “ưu tiên hộ này xây trước”? Còn có trường hợp cán bộ MTTQ xã khi dẫn đoàn đi thực tế thì phải cầu cứu trưởng thôn, hoặc trưởng ban công tác Mặt trận dẫn đường, đó là ở xã Long Hà (Phú Riềng), xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh). Thật đáng buồn khi khẩu hiệu “tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư làm trọng tâm trong mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc” hầu như đều xuất hiện trong các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở.
Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện được nghe trong chuyến đi công tác tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, là địa bàn giáp ranh xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng. Khi dẫn đoàn công tác tỉnh Bình Phước đến thăm và tặng quà nhân dân thì đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát 2 trực tiếp dẫn đoàn đi và nói rõ số nhân khẩu của từng hộ, hiện họ đang làm gì, ở đâu, cuộc sống khó khăn như thế nào. Còn ở một số xã trên địa bàn tỉnh mà đoàn đi khảo sát thực tế thì ngược lại. Đến đâu cũng phải có người dẫn đường chỉ lối, nhưng cuối cùng thì lại lựa chọn theo cảm tính, dẫn đến điểm đến sai địa chỉ hay bỏ sót đối tượng trong diện được thụ hưởng. Đơn cử như tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, đối tượng hộ nghèo mà cán bộ thôn dẫn đoàn đến trực tiếp khảo sát là gia đình có 3 người, trong đó có người con trai đang làm công nhân cạo mủ cho nông trường cao su trên địa bàn với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng, gia đình hiện có trên 300 nọc tiêu đang thu hoạch và nuôi 12 con dê bách thảo, trong khi chỉ có 1 người con đang còn nhỏ là diện phụ thuộc kinh tế gia đình. Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng dẫn chứng đó có thể cho thấy được sự thờ ơ của một vài cán bộ ở cơ sở. Trong khi cả hệ thống chính trị và cả cộng đồng dân tộc đang bắt tay vào thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, để đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã có hẳn một Nghị quyết để thực hiện, thì đâu đó trong chính đội ngũ cán bộ vẫn còn có những trái tim vô cảm với cuộc sống cơ cực, bần hàn của người nghèo.
Ở đâu đó rộng ràng tiếng cụng ly chan chát, đồ ăn thức uống dư thừa, thật là lãng phí. Trong khi ở đâu đó đang còn có rất nhiều cảnh đời “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Vì thế, có cán bộ trong đoàn khảo sát đã không cầm được nước mắt khi nhìn vào bữa cơm của hộ nghèo là người đồng bào DTTS chỉ có cơm và rau rừng.
Xin hãy dành một phần trái tim hướng về người nghèo, để họ vơi bớt những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu, bởi nghèo đói không phải là tội và không ai không muốn thoát nghèo.
Trọng Phước