Theo báo cáo tại cuộc họp, tài sản bán đấu giá là 10% diện tích vườn cao su các dự án chuyển giao lại cho tỉnh nhằm tạo quỹ an sinh xã hội. Theo đó, có 120 dự án trồng cao su chuyển giao 10% diện tích vườn cây cho tỉnh với tổng diện tích 1.595 ha. Đến nay, có 46/120 dự án đã hoàn thiện hồ sơ và được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của các dự án giao cho Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước và Công ty TNHH MTV cao su Phước Long để quản lý, với tổng diện tích 524,98 ha. Đây là phần diện tích được xem xét bán đấu giá lần này. Việc xác định giá nhằm tham mưu UBND tỉnh ban hành giá khởi điểm để bán đấu giá thu kinh phí trả cho các đơn vị thực hiện các dự án trồng cao su tập trung tạo Quỹ an sinh xã hội của tỉnh đã thực hiện trước đây. Dự kiến giá khởi điểm: giá thuê đất trả tiền hằng năm 1,3 triệu đồng/ha, giá tài sản gắn liền trên đất 120 triệu đồng/ha.
Tại cuộc họp, các thành viên trong hội đồng bàn tính phương pháp xác định giá trị vườn cây và hình thức sử dụng đất sau khi bán đấu giá (thuê đất trả tiền hằng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần, thời gian sử dụng 50 năm). Sau khi bán đấu giá, tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định, tiền đấu giá tài sản gắn liền trên đất nộp vào Quỹ an sinh xã hội tỉnh.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cùng các thành viên thống nhất áp dụng quy định tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 của Chính phủ để xác định giá trị vườn cây. Phó chủ tịch Huỳnh Thị Hằng yêu cầu các thành viên tiếp tục phân tích những ưu điểm, hạn chế phương án đấu giá hình thức thuê đất trả tiền 1 lần hoặc trả tiền hằng năm để tham mưu đưa ra phương án bán đấu giá tối ưu nhất. Trong thời gian định giá và bán đấu giá, giao Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước và Công ty TNHH MTV cao su Phước Long (đơn vị đang quản lý vườn cây) chăm sóc tốt diện tích sẽ bán đấu giá trong thời gian tới.
N. S