Theo đó, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; tinh thần khởi nghiệp sáng tạo thấm đẫm văn hóa là công việc rất quan trọng theo hướng phát triển văn hóa chính trị, văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh, văn hóa pháp luật, văn hóa đô thị, văn hóa làng xã phong phú và phù hợp. Để thực hiện công việc này, Nghị quyết số 14 chỉ rõ: “Tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí cán bộ có năng lực, sở trường làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; bồi dưỡng, hướng dẫn tổ chức lực lượng sáng tác, quảng bá, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, phát huy năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật. Xây dựng chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”. Đó chính là hạt nhân văn hóa trong sự phát triển của chính văn hóa và đến lượt chúng, chính các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái thấm đẫm văn hóa.
Đồng bào S'tiêng tỉnh Bình Phước biểu diễn tiết mục giã gạo đôi tại chương trình phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới năm 2023 - Ảnh: Trương Hiện
Thực tiễn đòi hỏi, càng tôn trọng sự phát triển một cách độc lập ở cơ sở bao nhiêu, vì mục tiêu bảo vệ và phát triển lợi ích cộng đồng thống nhất thì chừng đó càng đạt được sự phát triển chung một cách mạnh mẽ, bền vững và nhân văn bấy nhiêu, ngay từ cơ sở. Nghị quyết số 14 xác định: “Phấn đấu đến năm 2030: trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm thực tế, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. 100% các lễ hội trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa cấp tỉnh…”. Phát triển môi trường văn hóa cộng đồng và xã hội văn hóa đồng bộ với phát triển văn hóa, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái bảo đảm sự cân bằng và bền vững trong lộ trình phát triển nhân văn, ngay từ mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học…
Tiếp tục “Xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với chuyển đổi số; xây dựng và phát triển nền tảng cho chính quyền số và kinh tế số trong lĩnh vực văn hóa. Xây dựng hệ thống quản lý, khai thác và tích hợp cơ sở dữ liệu ngành văn hóa”, như Nghị quyết số 14 khẳng định. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng y tế, giáo dục và hạ tầng khác phù hợp với khả năng cân đối ở từng cấp ngân sách. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quan tâm cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, người đang công tác ở vùng khó khăn, miền núi, biên giới. Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền. Tất cả “Xây dựng trường học thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống” - Nghị quyết 14 nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Bình Phước và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch các vùng miền; để văn hóa đồng hành với phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi, biên giới. Nghị quyết giao nhiệm vụ cho các cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ: “Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo””.
Mặt khác, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm lo đối tượng yếu thế, hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo; bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo (nhất là nhà, đất liên quan đến tôn giáo) và những bức xúc xã hội. Đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân.
Để bảo đảm điều kiện thực thi công việc căn bản, có ý nghĩa thành bại này, Nghị quyết số 14 xác định sự ưu tiên bước đầu ngang tầm: “Bố trí ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa, con người tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 chi cho văn hóa đạt 1%, đến năm 2030 chi cho văn hóa đạt 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh”.
Đó là tầm nhìn, là quyết tâm, là hệ quyết sách, hệ điều kiện bảo đảm cần và đủ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển văn hóa Bình Phước trước yêu cầu phát triển mới đồng hành cùng cả nước, trong tầm nhìn 2045, trước mắt tới năm 2030 mà nghị quyết hoạch định.
Vấn đề chỉ còn là hành động và hành động một cách kiên quyết, đồng bộ và hiệu quả của hệ thống chính trị và toàn xã hội nữa thôi!
Theo BPO