Bình Phước cùng cả nước chuyển công cuộc đổi mới từ toàn diện sang toàn diện đồng bộ, đó là bước chuyển hết sức tự nhiên, hợp quy luật và thực sự chín muồi.
Trong rất nhiều phương diện làm nên thành tựu gần 38 năm qua, nhất là sau 27 năm tái lập, văn hóa trở thành một trong những nhân tố tiên quyết thành công. “…Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” mang lại kết quả thiết thực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thiết chế văn hóa đã từng bước được quan tâm đầu tư. Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển các giá trị văn hóa mới” - nghị quyết khẳng định.
Có thể phác họa đại lược:
Phát triển văn hóa trong chính trị hay văn hóa chính trị Bình Phước.
Quá trình hoạch định các chính sách (vĩ mô và vi mô) phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế luôn được tính toán tổng thể không chỉ căn cứ vào mục tiêu với mức độ thành công mà đồng thời luôn tính đến phương thức thực thi và các hệ quả của chúng.
Lãnh đạo tỉnh và đại diện đồng bào dân tộc M'nông ở Bình Phước đón chứng nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Trương Hiện
Việc phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế, luôn được xem là một quá trình có tính chính trị và văn hóa trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ hay văn hóa đơn thuần, cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”, “vì lợi nhuận, chà đạp tất cả”; hay văn hóa chỉ là “cái đuôi của kinh tế”, “ăn theo kinh tế”, hay là thứ “văn hóa vay mượn”, “văn hóa nhập khẩu”, “văn hóa lai căng”…
Phát triển văn hóa, xã hội và con người hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính chủ động trong dự báo và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lớn: giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, giữa phát triển nhanh với nỗ lực bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữa gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa… Đây chính là đột phá so sánh của Bình Phước, trên phương diện này.
Nhằm chế ngự và xử lý hiệu quả những mặt trái của nền kinh tế thị trường, đưa văn hóa thấm sâu vào các hoạt động kinh tế, làm cho sự phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, và đến lượt nó, sự tiến bộ chính trị... đã làm cho kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm liền, các cơ hội phát triển không ngừng được mở rộng không chỉ cho mọi thành phần kinh tế mà cho mọi tầng lớp dân cư, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt; sự phát triển của kinh tế hướng vào sự phục vụ phát triển con người, bảo đảm tiến bộ xã hội tốt hơn, luôn đứng trong top 20-25 của cả nước trong nhiều năm liền gần đây.
Đó là nền móng làm nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận toàn dân đối với công cuộc đổi mới ngày càng cao; là động lực phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân ngày càng mạnh mẽ; tôn vinh những giá trị và đặc sắc văn hóa của cộng đồng 41 dân tộc anh em và ngày càng phát triển, góp phần làm phong phú và sâu sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng; khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín Bình Phước trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Theo đó, vị thế, sức mạnh, uy tín con người Bình Phước ngày càng tỏa rộng.
Thực tiễn xác tín, trước yêu cầu phát triển mới, Bình Phước không ngừng đổi mới, bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, quyết sách chính trị đến tổ chức hành động phát triển. Nghĩa là, bắt đầu từ văn hóa để đổi mới tư duy, tầm nhìn, lựa chọn phương thức và giải pháp giải quyết tổng thể; lấy văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị làm quyết sách đột phá chiến lược và đồng thời lấy văn hóa cộng đồng làm nền móng và lòng tin của nhân dân động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội…
Văn hóa trong kinh tế làm nên sự tăng trưởng kinh tế thấm đẫm văn hóa, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ thực tiễn, văn hóa ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, ngày càng trở thành nền tảng tinh thần - xã hội; đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả và văn hóa có sức đề kháng, trước sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của Bình Phước.
Nói một cách hình ảnh, mọi quyết sách kinh tế luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, trước khi là một quyết sách kinh tế đơn thuần và đến lượt văn hóa cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị và tính kinh tế.
Đó chính là lựa chọn của Bình Phước.
Điều cần khẳng định là, một môi trường văn hóa - chính trị - xã hội ổn định được xây dựng toàn vẹn để Bình Phước phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; đồng thời, đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế, xã hội một cách thực sự thấm đẫm văn hóa đã tạo những tiền đề chăm sóc và phát triển sự nghiệp văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách chủ động, cụ thể, thiết thực và hiệu quả bằng chính sức mạnh kinh tế, cổ vũ văn hóa phát triển.
Vì thế, dù các năm 2020, 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Bình Phước vẫn hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng khá trong nhiều năm liên tiếp; khẳng định vị thế, uy tín, vai trò về tăng trưởng toàn diện của vùng Đông Nam Bộ.
(Còn nữa)
Theo BPO