Điểm thu gom rác tái chế tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, từ 7h sáng, người dân phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trang bị khẩu trang hào hứng mang những túi rác thải nhựa, rác có thể tái chế đến địa điểm thu gom đổi quà tặng là túi xà phòng, chai nước rửa tay, túi tái chế…
Bác Nguyễn Thị Minh Phương, Tổ dân phố số 2, phường Phan Chu Trinh cho biết, là một tình nguyện viên về môi trường, thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của cộng đồng, bác và người thân từ lâu đã thực hiện phân loại rác từ gia đình. Đây là việc làm rất quan trọng bởi nếu không phân loại rác thải vừa lãng phí đối với những thứ mà có thể tái chế được, vừa tạo ra gánh nặng khổng lồ cho bà con ở các vùng rác thải.
“Tôi vẫn tự vận động gia đình và những người xung quanh phân loại rác ngay tại nhà để thu gom. Bình thường chúng tôi vẫn bán cho những người đồng nát, còn rác hữu cơ hoặc là rác không thu gom được cho vào thùng rác của công ty môi trường Urenc”, bác Phương nói.
Hào hứng với chương trình phân loại rác thải được tái khởi động trên địa bàn, bác Phương mong muốn chương trình được duy trì liên tục hàng tuần và lan toả ra khắp mọi nơi trong TP Hà Nội cũng như trên cả nước để làm sao tận dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên.
Người dân hào hứng mang rác thải tái chế ra "đổi quà" |
Bày tỏ sự ủng hộ chương trình phân loại rác, bác Trần Thị Thanh Tâm, Tổ phó Tổ dân phố số 4, phường Phan Chu Trinh cho hay, nhiều người dân kiến nghị có hai cái thùng to, phân biệt hai màu rõ rệt và ghi rõ ràng rác thái chế và rác thải bỏ. “Với tư cách là một người dân Hà Nội, tôi hi vọng chương trình sẽ mang lại một kết quả lớn góp phần giúp thủ đô của chúng ta xanh – sạch – đẹp hơn”, bác Tâm chia sẻ.
Khẳng định việc triển khai phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường, ông Lê Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh cho biết, phường sẽ tiếp tục nhân rộng, hàng tuần vẫn tổ chức cái điểm thu gom rác tái chế. Phường cũng lên kế hoạch và phương án, phối hợp với Urenco thực hiện thường xuyên trong các tuần.
"Ngày thường, cán bộ môi trường sẽ đi thu gom rác thải sinh hoạt, nếu có rác tái chế thì sẽ thu luôn. Và thứ 7 hàng tuần sẽ t thu gom rác tái chế của nhân dân trên toàn địa bàn phường tập trung tại điểm thu gom rác tái chế thu gom rác tái chế", ông Sỹ thông tin.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội trung bình mỗi ngày phát thải ra khoảng 7000 tấn rác. Trong những năm gần đây, do khối lượng rác lớn, bãi rác Nam Sơn đang bị quá tải, sắp hết khả năng lưu chứa. Theo dự báo, hết năm 2020, bãi rác Nam Sơn không còn khả năng tiếp nhận rác.
Quà tặng là túi xà phòng, nước rửa tay, túi tái chế. |
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Phó phòng Kinh doanh truyền thông của Urenco cho biết, chôn lấp rác thải hiện nay rất lãng phí tài nguyên vì trong rác có rất nhiều cái chúng ta có thể tái chế và sử dụng lại được. Việc phân loại rác vừa đáp ứng được vấn đề giảm tải đối với môi trường, tận dụng tài nguyên.
Theo bà Linh, thực hiện chủ trương của Chính phủ và TP Hà Nội về giảm rác thải nhựa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, Urenco đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Trong khi đó, để ứng phó với hết khả năng lưu chứa ở bãi Nam Sơn, TP Hà Nội cũng đang xây dựng Nhà máy đốt rác Thiên Ý. Muốn thực hiện đốt rác, chúng ta cũng phải phân loại. Do đó việc triển khai phân loại rác giai đoạn này cũng là bước đệm để thực hiện phân loại rác, đốt rác trong giai đoạn sau.
Rác thải tái chế được phân thành 3 nhóm: giấy, nhựa và kim loại |
Cũng theo bà Linh, việc phân loại rác đã được triển khai từ năm 2006-2009 với dự án do Jica tài trợ. Tuy nhiên, dự án đã không thành công bởi chính quyền chưa đóng vai trò chủ thể; công nghệ xử lý rác sau khi phân loại cũng chưa phù hợp với việc phân loại rác thời điểm bấy giờ là phân thành 3 loại: rác tái chế - rác vô cơ - rác hữu cơ. Thời điểm đó, rác hữu cơ lúc đấy được xử lý mang đi làm phân bón; tuy nhiên chính sách hỗ trợ sản phẩm đầu ra chưa có nên sản phẩm chưa tiêu thụ được.
Rút kinh nghiệm từ thất bại phân loại lần trước, Urenco thực hiện một chương trình phân loại rác phù hợp khi chính quyền đứng ra làm chủ thể thông qua việc UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng chương trình, phương án chỉ đạo thực hiện triển khai phân loại rác.
Về phương án phân loại, bà Linh cho biết, bước đầu Urenco tiến hành phân loại thành rác tái chế và rác còn lại. Đối với rác tái chế sẽ phân loại gồm 3 nhóm chính: giấy, nhựa, kim loại. Hiện đã có nhà máy để xử lý và tái chế lại các sản phẩm từ 3 nhóm này để quay lại phục vụ đời sống nhân dân.
“Để dự án thành công, bên cạnh khắc phục những cái tồn tại trước đây, chúng tôi mong rằng nhân dân và các tổ chức đoàn thể cùng chung tay để triển khai và nhân rộng”, bà Linh nói.
Phương án “Quản lý, phân loại và thu gom rác thải tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”:
Giai đoạn 1 (đến hết 31/12/2020): Chuẩn bị, triển khai Phương án trên địa bàn 18/18 phường thực hiện phân loại rác thải thành 2 nhóm cơ bản: Rác tái chế và Rác còn lại
Giai đoạn 2 (2021-2025): Thực hiện phân loại rác tại nguồn đáp ứng yêu cầu của công nghệ xử lý rác được áp dụng và các Quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường theo thời kỳ (Rác tái chế, rác hữu cơ, rác đốt được và rác không đốt được…).
BBT sưu tầm từ nguồn báo Tài nguyên và Môi trường