Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn diện đến đất nước. Trong quý I đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn do phần đông đã phải nghỉ việc.
Qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng thì nếu tiếp tục đà dịch như thế này, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người, nhưng nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ lên đến khoảng 3,5 - 4 triệu người.
Do vậy, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh, Đảng, Nhà nước cũng xác định rất rõ việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng yếu thế, người nghèo. Gói hỗ trợ lên tới hơn 60.000 tỷ đồng đã được Chính phủ quyết nhằm hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người sẽ được triển khai từ tháng 4/2020. Ngoài ra, các địa phương với năng lực của mình cũng có những chính sách hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Cùng với đó các gói đầu tư công mua sắm trang thiết bị để ứng phó với tình hình cũng được giải ngân.
Những túi gạo đầy tình thương được trao đến tay những người nghèo, người gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn |
Với số kinh phí lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, quá trình triển khai sẽ khó tránh sai sót, nhưng lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẳng định không để số tiền này “đi lạc đường”, nhấn mạnh các gói đầu tư phải hiệu quả, đúng quy định và nếu xảy ra tham nhũng, trục lợi, lãng phí giữa đại dịch là có tội với dân, xấu hổ với thế giới.
Việc mua đúng, mua đủ; chi trả trúng người, không thiếu số lượng là lẽ đương nhiên. Với người nghèo, trong cơn hoạn nạn, “một miếng khi đói” càng thêm quý giá, sự hỗ trợ đậm ý nghĩa nhân văn. Vậy tại sao chúng ta luôn thường trực “nhắc nhở” tránh tham nhũng, lãng phí, trục lợi, dù giữa mùa dịch? Đơn giản vì thực tế không thiếu những ví dụ sinh động về việc “ăn của dân không chừa thứ gì”.
Câu chuyện “dê nhầm nhà”, “gà đi lạc”, “bò, nhím nhầm chuồng”, ăn chặn tiền hỗ trợ lũ lụt thiên tai… từ “lộ” ra ở nơi này, nơi kia mà mỗi khi ngẫm lại vẫn thấy xấu hổ thay. Cười buồn thay chẳng khi nào dê, gà “lạc” vào chuồng của người dân nghèo, yếu thế cả, mà thay vào đó là nhà cán bộ hay người thân của lãnh đạo.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên cũng được phân tích nhiều lần, đó là đạo đức và nhân cách của một bộ phận cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm trước dân quá thấp, đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng, thiếu tình thương yêu những người gặp nhiều khó khăn và vô trách nhiệm với công việc được giao. Do đó, trong tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động khó lường thì việc đề phòng, cảnh báo, răn đe để tiền hỗ trợ dân đi đúng đường là không thừa.
Tất nhiên, tiền “đi đúng đường” khi minh bạch, công khai với quy trình, quy chuẩn, điệu kiện, trình tự, thủ tục đầy đủ với từng đối tượng, thành phần được hỗ trợ . Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, từ đó có thông tư hướng dẫn cụ thể với quyết tâm không để xảy ra tình trạng chính sách chạy lòng vòng.
Quy định chặt chẽ là rất quan trọng, song con người thực hiện mới có tính quyết định. Tinh thần chăm lo cho dân của cán bộ mới đảm bảo hỗ trợ đến với người dân chín xác, kịp thời. Khi đó, chính sách vì dân của Đảng, Nhà nước mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa và thiết thực nhất./.
Theo: mattran.org.vn