Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng có lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQ Việt Nam và một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Phước. Cùng dự buổi làm việc còn có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng.
5 KIẾN NGHỊ QUAN TRỌNG CỦA BÌNH PHƯỚC
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã báo cáo nhanh tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước năm 2021 và một số kế hoạch, chỉ tiêu cơ bản năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành trung ương 5 nội dung, gồm: Bổ sung quy hoạch đất công nghiệp cho Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 2021-2025; Xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; Giải quyết dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển năng lượng điện mặt trời.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền báo cáo nhanh về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước năm 2021 và một số chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022
Đối với kiến nghị bổ sung quy hoạch đất công nghiệp cho Bình Phước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân lưu ý Bình Phước đề xuất quy hoạch đất công nghiệp cần tính toán chính xác. Hiện tại tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã được phê duyệt của Bình Phước chưa cao. Từ nay đến biên độ 2024, nếu Bình Phước sử dụng hết 1.800 ha đã được phê duyệt chưa sử dụng, thì sẽ được phê duyệt tiếp. Tỉnh phải quy hoạch khu xử lý chất thải rắn để bảo đảm cho phát triển công nghiệp, tránh trường hợp như một số địa phương khác phát triển công nghiệp mà không có quy hoạch xử lý chất thải rắn.
VẤN ĐỀ MỞ ĐƯỜNG QUA KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI
Các kiến nghị còn lại của Bình Phước, dưới sự điều hành cởi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, chân thành và có nhiều ý kiến rất trách nhiệm, có chiều sâu, tầm nhìn xa.
Nóng nhất là đề xuất nâng cấp mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, vì đây là tuyến đường nếu hình thành sẽ đi xuyên qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận. Lãnh đạo 11 bộ, trong đó có 2 bộ trưởng, 4 Ủy viên Trung ương Đảng và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đều có ý kiến. Lãnh đạo Bộ Công an, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư còn lấy trường hợp làm đường xuyên qua Vườn quốc gia Cúc Phương để so sánh với trường hợp này.
Hầu hết các ý kiến đều chia sẻ với Bình Phước vì có những bất lợi về giao thông, vị trí địa lý, đồng thời nhất trí với kiến nghị nâng cấp đường ĐT.753 và xây cầu Mã Đà. Bởi đây là sự kết nối rất cần thiết đối với phát triển kinh tế không chỉ của Bình Phước, mà còn với cả khu vực Tây Nguyên và tầm nhìn rộng hơn là với địa bàn giáp ranh Campuchia.
Tuy nhiên, làm đường nhỏ không bảo đảm tải trọng phục vụ công nghiệp, làm đường lớn ảnh hưởng đến thiên nhiên và những cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Vì thế, vấn đề này cần tính toán kỹ, mang tính chiến lược lâu dài để không ảnh hưởng đến bảo tồn bên Đồng Nai.
Đối với kiến nghị về các tuyến đường cao tốc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều nhất trí ủng hộ, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc xây dựng các tuyến đường này.
Trong hệ thống kết nối giao thông với Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, hạ tầng giao thông Bình Phước còn rất thấp so với Đông Nam Bộ, thậm chí còn thua kém so với Tây Nguyên. Vì vậy, phát triển giao thông của Bình Phước đang là vấn đề cấp bách. Phát triển giao thông Bình Phước không chỉ dành cho Bình Phước mà còn là động lực cho Tây Nguyên. Năng lực của các tuyến quốc lộ trong thời gian tới không đủ khả năng cho giao thông công nghiệp, chủ yếu chỉ đáp ứng được nhu cầu dân sinh. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn cho rằng, sân bay ở Đồng Nai, cao tốc ở Bình Phước, đường giao thông của Bình Phước không chỉ nhằm phát triển kinh tế của Bình Phước, không chỉ tạo điều kiện góp phần thúc đẩy phát triển Tây Nguyên, của khu vực Đông Nam Bộ, mà còn cho cả là điểm trung chuyển hàng hóa với Campuchia.
QUY HOẠCH LẠI KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐI TẮT ĐÓN ĐẦU
Đối với kiến nghị về vấn đề điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân lưu ý Bình Phước cân nhắc kỹ khi Việt Nam đang tăng cường điện gió, đồng thời tính toán vòng đời của dự án, hạn chế chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ với các kiến nghị của tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã dành cho Bình Phước một sự quan tâm, trách nhiệm, nghĩa tình khi có nhiều ý kiến rất sâu sắc.
Qua làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bình Phước được đánh giá rất cao, mở ra cơ hội đón làn sóng hành lang công nghiệp ở phía Nam. Vì thế, Bình Phước cần quy hoạch lại không gian phát triển để đi tắt đón đầu. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: Chuyển đổi số trong nông nghiệp rất quan trọng. Bình Phước cần cơ cấu lại nội bộ ngành nông nghiệp, trong đó tăng tỷ lệ chăn nuôi lên cho đạt cơ cấu của quy hoạch của cả nước. Đặc biệt là Bình Phước cần quan tâm phát triển thủy lợi, vì không có thủy lợi thì không thể cả trồng trọt và chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất đồng tình với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nói: Cảm xúc là Bình Phước nhiều đất đai quá. Bức xúc là đất đai nhiều mà chưa sử dụng được hiệu quả, cần có chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ Bình Phước. Trong đó, giao thông rất quan trọng, khơi thông giao thông để phát huy giá trị của lợi thế đất đai.
Bình Phước phát triển công nghiệp nên dịch chuyển về 3 huyện thị phía Nam, nhiều lắm thêm khu cửa khẩu Hoa Lư. Các địa bàn phía Bắc phát triển du lịch và đô thị sinh thái. Đặc biệt, Bình Phước bên cạnh đầu tư phát triển công nghiệp, phải chú trọng phát triển đô thị để giữ được nhân lực, để không còn “cán bộ 26”, là thứ 2 đi thứ 6 về - không chọn Bình Phước làm nơi sinh sống. Phát triển đô thị là điều kiện để thu hút, giữ chân người lao động, bởi ai cũng muốn sinh sống ở nơi đô thị phát triển. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng |
Bình Phước cần tái cơ cấu lại toàn bộ đào tạo nghề. Nếu không quan tâm đào tạo nghề thì Bình Phước sẽ tụt hậu. Vì không có lao động lành nghề thì không thể phát triển công nghiệp được. |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
ĐIỂM NGHẼN LỚN NHẤT CỦA BÌNH PHƯỚC LÀ KẾT NỐI GIAO THÔNG
Phát biểu tại buổi làm việc, đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Bình Phước có đủ điều kiện để phát triển tương đối toàn diện. Cần nhận thức đầy đủ như thế để tìm cho ra giải phát triển nhanh và bền vững. Từ nhận định này, chúng ta có nền tảng để đặt mục tiêu và định hướng phát triển cho sát thực tế”.
Đánh giá về kết quả phát triển năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Bình Phước kiểm soát dịch bệnh tốt, tiêm vắc xin nhanh, nên đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2021. Kết quả phát triển kinh tế thời gian qua cho thấy định hướng tăng cường phát triển công nghiệp - dịch vụ của Bình Phước là chính xác. Tuy nhiên, cần lưu ý nông nghiệp vẫn là một trụ đỡ của nền kinh tế.
Bình Phước phát triển chưa xứng với tiềm năng sẵn có của mình. Đây không phải là tỉnh nào cũng nói như thế, mà thực tế Bình Phước đang như vậy và điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Về những vấn đề cần lưu ý thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Số dân, nguồn lực lao động của Bình Phước còn hạn chế cả số lượng và chất lượng. Sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng thì tốt, nhưng giá trị gia tăng không cao như các sản xuất khác. Hạ tầng đào tạo lao động của tỉnh còn yếu. Giá trị sử dụng đất chưa cao, PCI còn thấp. Xét tổng thể, cái được, ưu điểm nhiều hơn so với hạn chế, bất cập. Vấn đề là làm sao phát huy được mặt mạnh, nhanh chóng khắc phục hạn chế, điểm yếu của mình. Làm được điều này cần sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân Bình Phước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ đạo quan trọng với Bình Phước. Ảnh: Trương Hiện
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến: Bình Phước cần lưu ý chuyển đổi số trong nông nghiệp rất quan trọng. Ảnh: Trương Hiện
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục: 25 tỉnh biên giới của cả nước, ngoài 8 tỉnh ven biển, còn lại hầu hết đều đang như Bình Phước tìm đường “ra” - phát triển, kết nối giao thông. Ảnh: Trương Hiện
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trương Hiện
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Làm cao tốc địa bàn tỉnh nào giao tỉnh đó làm chủ đầu tư thì tốt hơn. Sân bay, giao thông ở Bình Phước không chỉ cho Bình Phước, cho Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, mà còn là điểm trung chuyển cho hàng hóa của Campuchia. Ảnh: Trương Hiện
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Bình Phước cần tái cơ cấu lại toàn bộ đào tạo nghề. Không quan tâm đào tạo nghề, Bình Phước sẽ còn tụt hậu. Ảnh: Trương Hiện
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường: Bình Phước đã lĩnh hội được nhiều điều rất quý giá và sẽ cố gắng cao nhất tháo gỡ những điểm nghẽn, nỗ lực cao nhất để không ngừng vươn lên đúng với truyền thống anh hùng, bất khuất như Thủ tướng đã đánh giá. Ảnh: Trương Hiện
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Trung ương Đảng, Chính phủ đã xác định hiện nay thời cơ, thuận lợi đan xen với thách thức và thách thức là nhiều hơn. Chúng ta phải xác định rõ điều này, biết để làm cho tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn. Không để xảy ra bị động, bất ngờ. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.
VỀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH NHẤN MẠNH: |
- Phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục tồn tại yếu kém, khó khăn, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khoảng trời của Bình Phước. - Siết chặt quản lý thu - chi, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phát triển. - Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. + Tích cực chống tiêu cực. + Không lan man, không thấy “việc gì cũng phải làm”, rốt cuộc không làm được việc nào cho tốt. - Lan tỏa chủ trương trong toàn Đảng, toàn dân. - Nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của Bình Phước. Để từ đó xác định rõ nguồn lực để phát triển là gì và lưu ý Bình Phước ở giữa Tây Nguyên - Đông Nam bộ - Campuchia. |
CÓ QUY HOẠCH TỐT SẼ CÓ NHIỀU ĐIỀU TỐT
Nhấn mạnh vai trò của quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt. Có dự án tốt sẽ có nhà đầu tư tốt. Có nhà đầu tư tốt thì sẽ có việc làm tốt, kinh tế tốt. Vì thế, phải làm tốt quy hoạch. Quy hoạch phải tạo ra công ăn việc làm. Có công ăn việc làm thì sẽ có người đến ở. Quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch phải có tầm nhìn xa, không chỉ 5 năm, 10 năm, mà là 20 năm, 50 năm, thậm chí hàng trăm năm. Quy hoạch mà kém, doanh nghiệp “chết”, chúng ta cũng “chết”. Quy hoạch phải tiết kiệm tài nguyên, khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên. Tài nguyên, đất đai là hằng số, không “đẻ” ra được, nên phải tiết kiệm.
Đối với vấn đề phát triển giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Phát triển hạ tầng giao thông, đa dạng hóa nguồn lực. Phải xác định cái gì là trọng tâm. Như Bình Phước bây giờ thì chưa thể nói tới đường sắt, đường hàng không. Vậy chỉ còn đường bộ. Đường bộ phải làm gì, chỉ còn cách làm đường cao tốc. Bình Phước phải tập trung cho các đường cao tốc. Trước mắt giao các bộ, ngành cùng các địa phương nhanh chóng làm đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Giải phóng xong mặt bằng thì doanh nghiệp vào làm ngay. Hợp tác công - tư sẽ giải quyết được ngay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tóm gọn lại có 6 vấn đề Bình Phước cần đặc biệt lưu ý: Thứ nhất là quy hoạch. Thứ hai là phân bổ nguồn lực để làm đường cao tốc. Thứ ba là nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực. Thứ tư là cải cách hành chính nhiều hơn nữa. Thứ năm là huy động nguồn lực thì phải hợp tác công - tư. Thứ sáu là tăng cường chuyển đổi số.
Đối với 5 kiến nghị của Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho chủ trương trên tinh thần phải triển khai mở rộng, nâng cấp đường ĐT.753, xây dựng cầu Mã Đà, vì đây là đường huyết mạch không thể không làm. Nếu vướng vùng lõi thì nghiên cứu phương án xây cầu vượt.
VỀ VIỆC MỞ RỘNG, NÂNG CẤP ĐƯỜNG ĐT.753, XÂY DỰNG CẦU MÃ ĐÀ, THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH CHỈ ĐẠO: |
“Trong quý 2/2022 phải trả lời, làm được hay không làm, phải kết luận, không kéo dài nữa. Làm thì phải làm như thế nào, vốn đầu tư ra sao… Bình Phước, Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nghiên cứu và cho giải pháp. Giao trực tiếp 1 thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phụ trách vấn đề này”. |
Đối với khu nông nghiệp công nghệ cao, nhất trí Bình Phước làm, trên tinh thần tiết kiệm đất, tiết kiệm tài nguyên. Từ nay đến tháng 9-2022, Bình Phước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xong việc này.
Về chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời, Bình Phước cần chuyển hướng chiến lược phát huy điện áp mái bằng cách sử dụng áp mái các khu công nghiệp để làm điện. Không nên dành đất ra chỉ để làm điện mặt trời.
Về tổng thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính “chốt” lại: “Bình Phước kiến nghị 5 vấn đề, Thủ tướng chỉ yêu cầu Bình Phước 1 vấn đề, đó là: Tăng cường tự lực tự cường, mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, khoa học hơn, bài bản hơn, phát triển nhanh hơn, xanh hơn, hiệu quả, hiện đại hơn, bền vững hơn”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cảm ơn lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã rất quan tâm, trách nhiệm với Bình Phước, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính có những chỉ đạo đã giúp cho Bình Phước có nhận thức rõ ràng hơn về vị trí, vai trò của tỉnh, những tiềm năng, lợi thế còn chưa phát huy và làm thế nào để Bình Phước phát triển nhanh hơn nữa. Và qua đây tỉnh đã lĩnh hội được nhiều điều rất quý giá cho tương lai. Bình Phước sẽ cố gắng cao nhất tháo gỡ những điểm nghẽn, nỗ lực cao nhất để không ngừng vươn lên đúng với truyền thống anh hùng, bất khuất như Thủ tướng đã đánh giá.
Theo BPO