Đến dự Chương trình có ông Nguyễn Quốc Bảo - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện. Lãnh đạo thị trấn Lộc Ninh có bà Tạ Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; ông Trương Thành Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn, bà Nguyễn Phạm Hậu Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Thực hiện mô hình, các ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Công nghệ chuyển đổi số, ban điều hành, Ban Công tác Mặt trận các khu phố; đại diện lãnh đạo và nhân viên các chi nhánh, phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn -Tây Bình Phước, Sacombank, ACB, Viettel, VNPT và đông đảo các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn cùng tham dự.
Tại Chương trình, lãnh đạo thị trấn công bố Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thực hiện mô hình; Kế hoạch phối hợp giữa hai đơn vị; báo cáo quá trình triển khai, xây dựng mô hình trong thời gian qua và ra mắt Ban Chỉ đạo Thực hiện mô hình. Những ngày qua, thị trấn Lộc Ninh đã chỉ đạo xây dựng file (tập tin) âm thanh để tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, loa di động, trên các nhóm zalo để tuyên truyền rộng rãi đến các khu phố, nhất là các hộ kinh doanh dọc tuyến Quốc lộ 13 và tuyến đường Nguyễn Tất Thành về kế hoạch, nội dung, chương trình, giúp các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thị trấn biết, hưởng ứng. Không khí tại nơi tổ chức Chương trình rất sôi nổi, hào hứng với các tiết mục văn nghệ do các đội, nhóm, câu lạc bộ trên địa bàn thị trấn biểu diễn, phục vụ.
Ông Cao Thành Giang - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn cho biết: “Tổng số hộ mua bán, kinh doanh dọc hai tuyến đường này là theo khảo sát sơ bộ là 217 hộ, kinh doanh các lĩnh vực như: nhà hàng, quán nước, tiệm ăn, tạp hóa, lương thực, thực phẩm, shop hoa, tiệm bánh,…Việc thành lập mô hình “Tuyến phố văn minh - Không dùng tiền mặt” sẽ hướng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thị trấn. Ủy ban nhân dân thị trấn giao Tổ khảo sát dữ liệu cơ sở kinh doanh, công chức Văn hóa - Xã hội phối hợp các hội, đoàn thể, khu phố khảo soát, nắm bắt, lập danh sách từng hộ kinh doanh đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng, đã có QR-Code hoặc chưa có, qua đó trao đổi với các đơn vị Agribank, ACB, Sacombank hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản và in QR-Code, cung cấp cho các hộ để thuận tiện khi trao đổi, mua bán”.
Theo số liệu tổng hợp, tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt app E-Mobile Banking, đã in và tặng mã QR-Code cho 180 hộ kinh doanh, tiểu thương đã có tài khoản ngân hàng. Theo Kế hoạch, thị trấn Lộc Ninh phấn đấu đến cuối năm 2023, sẽ có 90% trở lên các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành và tuyến Quốc lộ 13; 80% các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn và đông đảo người dân sẽ thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát biểu tại Chương trình, chị Trần Thị Thanh - một hộ kinh doanh tại khu phố Ninh Thịnh phấn khởi cho biết, khi được các cấp, các ngành tuyên truyền, nhân viên ngân hàng hướng dẫn cặn kẽ, hỗ trợ nhiệt tình, chị đã thấy được những tiện lợi, lợi ích khi sử dụng mã QR để giao dịch, thanh toán, từ đó chị đã chủ động cung cấp thông tin để được lập mã, cài app, giúp chị thuận tiện trong mua bán. Chị mong muốn sẽ có ngày càng nhiều các hộ khác sẽ cùng thực hiện mô hình này.
Phát biểu tại Chương trình, ông Đinh Lệnh Quyền - Giám đốc Agribank - Chi nhánh Lộc Ninh, Tây Bình Phước thay mặt các ngân hàng trên địa bàn cảm ơn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ, Tổ công nghệ số, các khu phố trên địa bàn thị trấn Lộc Ninh trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai thực hiện, hướng dẫn, lập mã, tạo tài khoản mới cho các hộ kinh doanh cũng như người dân, giới thiệu về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tích cực hưởng ứng mô hình.
Bà Trần Thị Bích Lệ - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện bày tỏ niềm vui, phấn khởi trước những kết quả khả quan bước đầu của mô hình tại thị trấn Lộc Ninh, nhận định: đây là hoạt động thiết thực của hai đơn vị nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐCĐS ngày 27/9/2021 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 13/4/2023 của Ủy ban nhân dân huyện về chuyển đổi số. Bà đề nghị sau Chương trình này, các ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với thị trấn Lộc Ninh cũng như các xã trên địa bàn huyện tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh, người dân có nhu cầu mở tài khoản, đăng kí lập và sử dụng QR-Code trong giao dịch, mua bán, để đến cuối năm 2023, thị trấn nói riêng, các xã sẽ đạt được mục tiêu không dùng tiền mặt đã đề ra. Bà cũng đề nghị Ban Thường trực thị trấn Lộc Ninh tăng cường phối hợp với Ban Công tác Mặt trận các khu phố, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải thích cho các hộ kinh doanh, người dân biết, nắm rõ những lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tích cực hưởng ứng mô hình, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể trong tham gia thực hiện chuyển đổi số, hướng tới xã hội số, công dân số, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Sau khi kết thúc Chương trình, thị trấn Lộc Ninh, Ban Thường trực huyện phối hợp các đơn vị nhà mạng, ngân hàng cùng đi tuyên truyền bằng xe lưu động trên tuyến Quốc lộ 13 và đường Nguyễn Tất Thành, thăm quan một số cửa hàng, tiệm ăn, quán nước, tiệm tạp hóa, gặp gỡ một số khách hàng để nắm bắt, tìm hiểu và hướng dẫn, hỗ trợ họ sử dụng quét mã để thanh toán (nếu đã có tài khoản), hướng dẫn mở tài khoản (đối với khách hàng chưa có tài khoản), qua đó tạo niềm tin và thay đổi cách thanh toán, cung cấp mã QR cho khách hàng để thay đổi thói quen dùng tiền mặt lâu nay.
* Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Lộc Ninh, Ban Thường trực huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã Lộc Điền, Lộc Hiệp và thị trấn Lộc Ninh triển khai thực hiện mô hình, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương./.
BL-MTTQ