Từng tham gia các công tác xã hội tại ấp, như: phụ nữ, chữ thập đỏ, y tế thôn bản, dân số kế hoạch hóa gia đình, công việc nào được lãnh đạo ấp và nhân dân tín nhiệm giao cho, chị Đỗ Thị Mai đều hoàn thành tốt. Bên cạnh đó, chị còn là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của ấp Lam Sơn, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú.
Chị Mai tâm sự, là cán bộ ấp nên hàng tháng thường ra giao ban ở UBND xã Tân Phước xa trên 20km. Thời tiết khô nắng đi qua ấp Sắc Si, Nam Đô, còn trời mưa đường đất trơn phải chạy vòng ra quốc lộ 14 mới vào Tân Phước, đường xa gần gấp đôi. Nhiều khi gặp mưa đường trơn như đổ mỡ, người và xe ngã mấy lần, quần áo dính bết đất đỏ. Vậy mà chị Mai không hề nản chí vẫn vui vẻ để hoàn thành công việc trên giao.
Ấp Lam Sơn nằm cuối địa phận xã Tân Phước. Toàn ấp có 146 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 40%. Dân trí thấp, chủ yếu làm vườn, đời sống người dân đa số còn khó khăn. Là chi hội trưởng phụ nữ, chị Mai không ít trăn trở. Để giúp chị em phụ nữ có vốn làm ăn, sử dụng vào chăn nuôi, buôn bán, sản xuất trồng trọt… chị đã sáng kiến nghĩ ra cách thành lập tổ góp vốn giúp nhau làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Mới đầu có 12 thành viên, trong số đó có mấy chị người DTTS. Năm đầu, đóng góp mỗi người 2 triệu đồng, riêng chị Mai góp vào 8 triệu đồng. Từ mô hình thiết thực này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống và khá lên. Hiện nay, chị em góp quỹ được gần 60 triệu đồng. Nhằm khuyến khích, động viên và duy trì bền vững mô hình này, chị Mai đã vận động mỗi người góp thêm 200 ngàn đồng mỗi năm, để dùng vào sinh hoạt, thăm hỏi đau ốm và tổ chức kỷ niệm 20/10, 8/3...
Chị Mai bên vườn tiêu xanh tốt của gia đình
Mô hình trồng rau sạch của chị em phụ nữ cũng được thành lập và đã thực hiện gần 2 năm nay. Bước đầu đã có một tổ tham gia, trong số đó chị Triệu Thị Nhung (người dân tộc Tày) nhận rau sạch của tổ hằng ngày phục vụ bà con từ ấp Lam Sơn 2 vào đến ngã 3 Thống Nhất, mỗi ngày tiêu thụ gần 500kg rau sạch.
Gia đình chị có trên 10 ha đất trồng cây: tiêu, điều và cao su, trừ các khoản chi phí ra, bình quân thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Gia đình chị còn mua sắm cả xe tải, xe hơi và xe máy cày phục vụ chuyên chở hàng hóa kinh doanh buôn bán, sản xuất và phương tiện đi lại…Ngoài ra, chị còn mở đại lý thu mua các mặt hàng nông sản, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ bà con nông dân. Nhiều hộ làm vườn hoàn cảnh còn khó khăn (trong đó có đồng bào DTTS), chị Mai tạo điều kiện giúp đỡ trên nhiều hình thức, như: cho mượn tiền không lấy lãi, bán trả chậm phân bón, thuốc BVTV… tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện cuộc vận động “mỗi cá nhân, mỗi tổ chức gắn với địa chỉ nhân đạo”, năm 2007, chị Mai nhận nuôi 2 cụ DTTS già yếu không còn người thân nương tựa; tháng chị nhận hỗ trợ 1 bao gạo, luôn tiền ăn mắm muối… Hàng năm chị Mai còn tặng hàng chục suất quà cho người cao tuổi, mỗi suất trị giá gần 400 ngàn đồng.
Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Phước, Bí thư chi bộ ấp Lam Sơn cho biết: “Chị Đỗ Thị Mai rất nhiệt tình trong mọi công việc, nhiệm vụ được giao. Chị là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có lòng nhân ái, vừa là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương”.
Duy Hiến