Tân Phước là một xã vùng sâu, vùng xa nằm phía Bắc huyện Đồng Phú, địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung. Với tổng diện tích tự nhiên 9.733,22ha, toàn xã có 8 ấp, tổng dân số là 2.036 hộ, với 7.942 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43% dân số. Toàn xã có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đời sống người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để cuộc sống người dân ngày càng ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng là những trăn trở của già làng Hoàng Lợi, sinh năm 1944, người dân tộc Tày, khi được nhân dân tín nhiệm giao chức trách làm Chủ tịch hội đồng già làng xã Tân Phước.
Già làng Hoàng Lợi luôn coi công tác tuyên truyền, vận động là chìa khóa để mở ra tất cả các vấn đề. Xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những giải pháp thiết thực mà già làng Hoàng Lợi đề ra để giúp bà con nơi đây.
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, già làng Hoàng Lợi đã củng cố lại tổ chức Hội đồng già làng xã gồm 5 người, trong đó có 2 thành viên là người dân tộc Khơme, 3 thành viên dân tộc Nùng và phân công thành viên phụ trách địa bàn, khu dân cư để nắm tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc. Qua đó thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương, đặc biệt chú trọng đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”… Vận động người dân không nghe theo kẻ xấu lợi dụng chính sách dân tộc gây chia rẽ dân tộc, không mê tín dị đoan, bài trừ các tệ nạn xã hội tại đia phương, như: trộm cắp, cờ bạc, hút chích… các hủ tục cưới xin, ma chay không quá lãng phí, vận động các trẻ em ở các ấp vùng sâu đến trường học tập.
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt các vị già làng tiêu biểu và người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2016
Qua thực hiện nội dung tuyên truyền cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực và đi vào đời sống khu dân cư. Về phát triển kinh tế, già làng vận động bà con đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu độc canh, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị cao, luôn chú trọng giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian nhàn rỗi, già làng vận động đồng bào đi làm thuê để tăng thêm thu nhập cho gia đình, không còn tình trạng đói giáp hạt. Trong thực hiện chính sách dân tộc, già làng luôn vận động đồng bào thực hiện phương châm "Lấy sức dân làm lợi cho dân", không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải tự vươn lên. Từ đó, đông đảo người dân đã góp công, góp của để sửa chữa, xây dựng mới đường giao thông nông thôn, đặc biệt là các ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như ấp: Phước Tân, Phước Tâm, Cầu Rạt, Nam Đô… Đối với việc cưới, việc tang, già làng vận động các gia đình xóa bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém. Đời sống nhân dân trong xã nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp.
Già làng Hoàng Lợi còn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, an ninh trật tự ổn định. Nhân dân tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Bên cạnh những kết quả đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, đường giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, một số phong tục tập quán cũ lạc hậu chưa được xóa bỏ…” già làng Hoàng Lợi chia sẻ thêm.
Văn Tú