Khu tái định cư 61 hộ đồng bào dân tộc thiếu số thuộc tổ 5, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú đang đổi mới từng ngày. Nhà văn hóa trung tâm học tập, giáo dục cộng đồng, trường mầm non được xây dựng cạnh chân đồi. Khu dân cư như một góc phố nhỏ xây dọc theo con đường trải nhựa. Đường điện phục vụ đời sống sinh hoạt của dân cũng được đáp ứng kịp thời…
Chị Y Thị Huệ (dân tộc Êđê), người trực tiếp quản lý 61 hộ dân trong khu tái định cư cho biết: khi đưa dân về đây, bước đầu mỗi hộ được cấp 1ha đất canh tác, cấp cây giống, phân bón; mỗi hộ được cấp 3 bịch bắp cao sản, 12 cây mít giống siêu sớm và 1 bao phân. Ngoài ra, còn được giao 3 con thỏ giống và 5 kg cám. Để đồng bào nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cán bộ khuyến nông huyện thường tổ chức các lớp tập huấn. Đến năm 2014, mỗi gia đình được hỗ trợ từ 200 - 400 cây cao su và 8 - 16 bao phân.
Khu nhà dân định cư dọc theo trục đường cái, được xây dựng chung một kích cỡ, diện tích 25m2/căn, trên tổng diện tích đất 450m2. Chi phí xây dựng cho mỗi căn nhà là 30 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 25 triệu đồng, còn lại 5 triệu đồng, người dân vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Phú. Theo chị Y Thị Huệ, tuy xây kích cỡ giống nhau nhưng gia đình nào có khả năng thì làm thêm một số hạng mục khác như cửa gỗ, lát gạch bông, làm mái vòm…. Trước nhà văn hóa và Trường mầm non có 2 giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho bà con trong những tháng mùa khô, nước được bơm lên 2 bồn chứa, dùng đến tháng 5 mới chuyển qua dùng nước giếng.
Năm 2016, khu tái định cư 61 hộ được Nhà nước hỗ trợ 40 con bò giống, trong đó cấp vốn đối ứng 9 con, mỗi con trị giá từ 14 – 16 triệu đồng, người dân chỉ bỏ từ 4 – 6 triệu đồng, còn lại 31 con được hỗ trợ miễn phí. Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp (từ 0,5% - 0,65%) để chăm sóc điều, cao su và đào giếng nước sinh hoạt…
Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho đồng bào DTTS ở ấp Thạch Màng
Câu Lạc bộ (CLB) định canh, định cư và sinh hoạt văn hóa cộng đồng được thành lập, duy trì họp định kỳ hàng tháng nhằm đánh giá hiệu quả cây trồng, vật nuôi từ trên hỗ trợ qua từng hộ dân. Mức độ thấp cao để rút kinh nghiệm, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và thành lập tổ an ninh tự quản. Cuối năm 2013, 61 hộ dân được đón tết tập trung vui chơi tại nhà văn hóa với nhiều trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ném còn và múa hát, đánh cồng chiêng... tạo nên không khí đầm ấm vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Các cháu ở đây không còn học nhờ ở nhà dân như hai năm trước. Trường mầm non được xây dựng khang trang sạch sẽ và đẹp với 2 phòng học. Còn các cháu học lớp 1,2,3 đang tạm thời học nhờ tại nhà văn hóa. Các cháu trong độ tuổi đến trường đều được thầy cô giáo, phụ huynh và CLB quan tâm vận động đến lớp đạt 100%.
Năm 2012 khu tái định cư có 12 hộ nghèo, đến năm 2015, chỉ còn 8 hộ. Theo chị Huệ, lúc đầu người dân còn nghèo do chưa có việc làm, chưa quen với cuộc sống mới ở khu tái định cư. Sau này có rẫy canh tác, kết hợp chăn nuôi, lại được các chủ rẫy ở trong khu vực thuê làm công nhật, nên có thêm thu nhập, đời sống từng bước được cải thiện. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên cao su Bình Phước tuyển dụng bà con trong khu tái định cư vào làm công nhân, với mức lương ổn định, nên đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mừng lắm, vừa chăm chú cố gắng làm, lại có nguồn thu từ hỗ trợ sản xuất nên cuộc sống ổn định hơn. Nhiều hộ gia đình đã khá lên trông thấy, xây cất được nhà lớn trị giá 200 triệu đồng như hộ chị Thị Ry (1988). Chị Ry cho biết: “Hai vợ chồng đang làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty TNHH một thành viên cao su Bình Phước, tháng được 12 triệu đồng. Nhà có con gái đang cho học lớp mầm non của cô giáo Hiếu. Gia đình giờ có cái ăn, cái để, tui biết ơn Đảng Nhà nước nhiều lắm”. Nhiều nhà còn sắm được ti vi, xe máy từ 1- 2 chiếc và cả máy phát điện. Như gia đình chị Thị Bé sắm được cả xe hơi, xe tải để vận chuyển hàng hóa phục vụ bà con khu tái định cư.
Đời sống của người dân nơi đây còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân và các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài tỉnh về thăm và tặng quà. Ngân hàng chính sách xã hội huyện luôn tạo điều kiện cho bà con dân tộc vay vốn làm kinh tế từ 20 - 25 triệu đồng/hộ. Lồng ghép các chương trình khuyến nông, dạy nghề. Người dân ở đây xuất thân từ nghèo khó nên họ chí cố làm ăn, sớm ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Họ luôn luôn biết quý trọng mọi nguồn hỗ trợ của trên giao về”- chị Y Thị Huệ bộc bạch.
Duy Hiến