Ngày 26-7-2016, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh ban hành chương trình phối hợp số 03/CTrPH-MTTQ-TNMT-TG về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Chương trình phối hợp đề ra một số nội dung cụ thể như: (1)Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Phước, trong đó có thành phần tham gia là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Phối hợp biên soạn, cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng về ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên thế giới, trong nước, của địa phương và trên địa bàn dân cư. (2)Phối hợp cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về môi trường và bảo vệ môi trường; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những quy định trong giáo luật, giáo lý của tôn giáo cùng kế hoạch hành động của tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (3)Phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do lụt, lũ quét, hạn hán... xảy ra trước khi các cơ quan của Nhà nước, các tổ chức can thiệp, giải quyết; cộng đồng tôn giáo và dân cư chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo, trường hợp khó khăn, bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... (4)Phối hợp nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình, các điển hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở tôn giáo; các mô hình cộng đồng tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và thân thiện với môi trường trong các quy trình sản xuất, tổ chức cuộc sống: Tổ chức cuộc sống và sản xuất hàng ngày thân thiện với môi trường: Sử dụng năng lượng tái tạo; vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các công trình như: nhà vệ sinh, nhà tắm, nước sạch; trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở và nơi công cộng, cơ sở tôn giáo; Không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, hay thực hiện quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tăng cường độ của biến đổi khí hậu (Phá rừng, sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường...) (5)Phối hợp giám sát các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội.
Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các tổ chức Tôn giáo trên địa bàn tỉnh ký kết chương trình phối hợp
Về phương thức triển khai: (1)Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo khảo sát, nắm tình hình đời sống nhân dân, vấn đề môi trường và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa bàn dân cư (làm điểm xuất phát để xây dựng mục tiêu đạt được của mô hình). (2)Thống nhất chủ trương, giải pháp phối hợp và tổ chức thực hiện với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. (3)Thống nhất nội dung, tiêu chí của từng công việc phối hợp sẽ triển khai: Cộng đồng tôn giáo và dân cư hiểu rõ về Chương trình Phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;hiểu và cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược bảo vệ môi trường và nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia, địa phương và địa bàn dân cư; Thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của bản thân chức sắc, tín đồ và cộng đồng tôn giáo phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và nhiệm vụ chung của địa phương, cụ thể: Trong tổ chức cuộc sống hằng ngày: vận động xóa bỏ những tập quán, thói quen gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và làm tăng biến đổi khí hậu như: Xả rác bừa bãi, sử dụng bịch nilon, xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường... Xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp. Tổ chức sản xuất, canh tác, chăn nuôi, kinh doanh... không gây ô nhiễm với môi trường và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; Tổ chức việc giám sát thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa bàn dân cư; Tổ chức giúp nhau tự ứng phó với những rủi ro thiên tai bất thường xảy ra; giúp đỡ những người nghèo, khó khăn bị rủi ro thiên tai. (4)Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức tôn giáo xây dựng cam kết của cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây dựng dự thảo bảng cam kết: Lựa chọn các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình của địa bàn dân cư đã khảo sát và của tôn giáo; Tổ chức lấy ý kiến thảo luận, thống nhất của từng hộ gia đình; Tổ chức ký cam kết (có chứng kiến, xác nhận của Mặt trận, ngành Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo) và gửi đến từng hộ gia đình theo dõi, thực hiện. (5)Xây dựng các tổ tự quản thực hiện cam kết. (6)Tổ chức đánh giá việc thực hiện: Theo thời gian hàng quý, 6 tháng. Sơ kết việc thực hiện hàng năm (vào những dịp lễ trọng của tôn giáo, hoặc Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu dân cư (18/11 hàng năm); Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện xuất sắc việc thực hiện cam kết; Xây dựng kế hoạch cụ thể trong thời gian tiếp theo.(7)Nhân rộng mô hình điểm đã đạt được mục tiêu đề ra.
Phát biểu của Mục sư Võ Phấn -Trưởng ban Hội Thánh Tin lành Báp Tít (Nam Phương)
Chương trình phối hợp nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp hành động, cụ thể:
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các hoạt động hàng năm cho giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở để hai bên chủ động trong kế hoạch và bố trí nguồn lực phù hợp triển khai các hoạt động được hiệu quả; Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của chức sắc, nhà tu hành trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giữ gìn vệ sinh theo tiêu chí cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp: Trồng cây xanh, xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng – xanh – sạch – đẹp đến từng hộ gia đình, tổ tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư... Hướng dẫn để người dân biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Ở nông thôn, vận động nhân dân trồng cây xanh, bóng mát; quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh, nhà tắm đảm bảo mỹ quan và môi trường. Ở đô thị, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp; phân loại và thu gom rác thải đúng quy định; xây dựng, bảo vệ, giữ gìn công viên, khu vui chơi, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng; Phối hợp vận động nhân dân giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả các hoạt động tự quản của cộng đồng trong việc giám sát công tác quản lý đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng; Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các tôn giáo trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, biên soạn, cung cấp kiến thức; xây dựng các mô hình cộng đồng tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ trì phối hợp với tổ chức tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ở địa phương; Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ nguồn vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ tổ chức tôn giáo triển khai kế hoạch hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của tôn giáo theo sự thoả thuận chung giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo; Hướng dẫn Ban Thường trực Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, các tổ chức thành viên, phối hợp với tổ chức tôn giáo vận động đồng bào có đạo và không có đạo đoàn kết, thi đua thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở cộng đồng dân cư theo 5 nội dung ở phần trên; chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch phối hợp theo định kỳ; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện tốt Kế hoạch phối hợp và nhân rộng những mô hình tốt.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh: Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các hoạt động hằng năm cho giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở để hai bên chủ động trong kế hoạch và bố trí nguồn lực phù hợp triển khai các hoạt động được hiệu quả; Xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của Nhà nước, các nguồn tài trợ quốc tế (được triển khai từ Bộ Tài nguyên và Môi trường) để hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi tôn giáo với 5 nội dung chương trình phối hợp này, theo sự thoả thuận chung giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo; Chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ, cung cấp tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để các tổ chức, cá nhân tôn giáo triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong sinh hoạt tôn giáo phù hợp đối với mỗi tôn giáo; Chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên hỗ trợ tổ chức tôn giáo xây dựng năng lực tự ứng phó của các tôn giáo và người dân khi có rủi ro thiên tai xảy ra bằng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi địa phương.
Phát biểu của Hoà Thượng Thích Nhuận Thanh - Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh
Các tổ chức tôn giáo: Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể hàng năm, định kỳ của tôn giáo mình về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung các nhiệm vụ: Hướng dẫn, vận động chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tham gia các lớp tập huấn nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt tôn giáo. Xây dựng, giữ gìn các cơ sở tôn giáo bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Xây dựng các mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với nội dung: Khắc phục những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường; tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu (Phá rừng, sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường...); xây dựng kỹ năng tự ứng phó, giúp nhau giải quyết những rủi ro thiên tai phù hợp với địa bàn dân cư và tôn giáo mình; Đề xuất, kiến nghị và phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và triển khai các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội; Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, bác ái, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai; chia sẻ sự chăm sóc bằng hỗ trợ vật chất hay tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà tổ chức tôn giáo có thể thực hiện được.
Phát biểu của Mục sư: Điểu Hiêng -Trưởng ban Đại diện Hội Thánh Tin lành Việt Nam tỉnh (miền Nam)
Trong Quý IV/2016 sẽ tiến hành tổ chức sơ kết việc thực hiện các nội dung phối hợp và rà soát việc xây dựng mô hình điểm. Bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu cho sát với thực tiễn ở địa bàn dân cư và điều kiện của tổ chức tôn giáo. Từ năm 2017 đến 2020: Cứ 6 tháng 1 lần tổ chức rà soát, sơ kết việc thực hiện. Hằng năm tổng kết việc thực hiện trong năm vào dịp những ngày lễ trọng của tôn giáo hoặc Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11). Tổ chức nhân rộng mô hình đã được công nhận đạt mục tiêu đề ra. Đến năm 2020: Tổ chức tổng kết chương trình phối hợp.
BBT