Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo. |
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện sử học cho biết, Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Trải qua 90 năm với những hình thức và tên gọi khác nhau, từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên đến MTTQ Việt Nam ngày nay, Mặt trận không ngừng lớn mạnh, giương cao ngọn cờ tâp hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh Công nghiêp hóa - Hiện đại hóa (CNH – HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế, MTTQ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ thêm quá trình ra đời, hoạt động của các tổ chức Mặt trận từ Hội Phản đế đồng minh năm 1930 đến MTTQ hiện nay; những đóng góp của Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập (1930 - 1945); trong các cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã giới thiệu về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Kế tục truyền thống cách mạng vẻ vang của các tổ chức Mặt trận trước đây, MTTQ Việt Nam ngày nay tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; phấu đấu sớm đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, các mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước đã được thể chế hoá trong Luật MTTQ Việt Nam; vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng, càng được mở rộng. Nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội của đất nước.
“Hoạt động thực tiễn của Mặt trận trong 90 năm đã chứng minh, nơi nào Mặt trận chủ động đề xuất chương trình hoạt động, biết tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, của Nhà nước, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc trong cuộc sống nhân dân đúng với vai trò, chức năng và theo phương thức hoạt động thì hoạt động của Mặt trận đạt hiệu quả thiết thực, vai trò tác dụng của Mặt trận được Đảng, Nhà nước, nhân dân thừa nhận”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.
Nguồn: Mặt trận Trung ương