Nhận thức rõ vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của Già làng, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay, trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở bam, ngành chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 339 người có uy tín được UBND tỉnh công nhận và có 89 Hội đồng già làng được thành lập ở cơ sở, đã phát huy được hiệu quả và là chỗ dựa vững chắc cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, các vị già làng và người có uy tín đã có những tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí làm chủ của nhân dân. Là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy, chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận các chức vụ, như: Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, sóc, Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, với vốn hiểu biết phong phú về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình các già làng, người có uy tín còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập thông qua việc vận động đồng bào tham gia xây dựng quỹ khuyến học, gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt với các vị già làng tiêu biểuvà người có uy tín trong vùng đông bào các dân tộc thiểu số năm 2016
Bên cạnh đó, già làng và người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Tích cực vận động gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao, nâng cao đời sống vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi dê; mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình trang trại cây ăn trái và chăn nuôi gà thả vườn… ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú… đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Chính sách Dân số - kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được các thành viên Hội đồng già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc quan tâm. Các già làng, người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở các sóc, ấp … thực hiện khá tốt Chính sách Dân số - kế hoạch hoá gia đình; ăn ở hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi; phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết… Đến nay 97% số hộ ở khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh đều được sử dụng giếng nước hợp vệ sinh, chăn nuôi có chuồng trại, hạn chế việc thả rông gia súc, sống chung với gia súc…do đó không có dịch bệnh xảy ra, hạn chế được các bệnh truyền nhiễm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và mức tăng dân số tự nhiên giảm so với năm trước. Nhiều khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số giữ vững danh hiệu “Khu dân cư đạt chuẩn văn hóa” nhiều năm liên tục, như: Thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng; Thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập; sóc Đắk Sư, xã Tân Hưng, huyện Hớn quản; ấp 9 xã Lộc An, huyện Lộc Ninh…
Thông qua việc phát huy vai trò của già làng và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua, đã giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh đúc kết thêm nhiều bài học kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc hơn trong việc đổi mới phương thức tập hợp quần chúng, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Đức Thuận