Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/1955. (Ảnh tư liệu). |
Hiểu rõ vị trí, vai trò, sức mạnh của dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, thương yêu dân, kính trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân. Bác luôn thẩm thấu triết lý phát triển của Việt Nam được các bậc minh quân, triết gia tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “dân là gốc” và Bác đã phát triển thêm rõ ràng hơn “bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân…, bao nhiêu quyền hành đều là của dân…”; “Trong bầu trời không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Do vậy, “chúng ta phải yêu thương dân, kính dân”, phải “làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành”. Nói tóm lại, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Có dân là có tất cả, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thiết nghĩ, bàn về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân” như một yếu tố cấu thành chủ đề của Đại hội Đảng các cấp hiện nay, ôn lại những lời dạy của Bác Hồ với tư cách là người trong cuộc, là sự trải nghiệm hẳn rằng có giá trị không những về nhận thức mà là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Thử lược lại một cách khái quát lịch sử lãnh đạo của Đảng ta 90 năm qua hay phân tích kỹ lưỡng những trường hợp cụ thể, những điểm nóng, khiếu kiện đông người…, trong đời sống xã hội hiện nay, chắc sẽ gợi cho ta những vấn đề về sức dân và công tác vận động nhân dân.
Tin dân, hiểu dân, trọng dân, dân làm chủ
Khai sinh ra nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Bác Hồ khẳng định “Nước ta là nước dân chủ”, “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc. Xây dựng, phát huy dân chủ ngày càng được đẩy mạnh, coi đó là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nền dân chủ mà chúng ta đang xây dựng – dân chủ xã hội chủ nghĩa, vừa tinh chọn các giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại vừa hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam với nội dung cốt lõi là tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Từ Đại hội VI trở đi vấn đề dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân ngày càng được nhận thức và thực thi nhiều hơn với những tiến bộ rõ rệt. Song, nhìn chung còn nhiều vấn đề cả về nhận thức và thực tiễn xây dựng và phát huy dân chủ trong cuộc sống xã hội. Có mấy vấn đề nổi cộm: nhận thức về dân chủ còn phiến diện, coi dân chủ là “tự do” không giới hạn, dân chủ phi lịch sử, phi luật pháp …, từ nhận thức “dân là chủ” đến “dân làm chủ” còn không ít vấn đề, từ cơ chế, luật pháp đến mối quan hệ giữa dân chủ, kỷ cương, pháp luật; từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong đời sống xã hội; từ “Nhà nước dân chủ” đến người chủ của đất nước là “dân làm chủ”; từ dân chủ chính trị đến kinh tế, xã hội; từ dân chủ đại diện đến dân chủ trực tiếp…
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, vấn đề thượng tôn pháp luật còn nhiều bất cập, cả về cơ chế, pháp luật, cả về thực thi, kiểm tra, giám sát và xử lý. Tình trạng luật lệ chồng chéo, lách luật, đặc biệt là xử lý chưa thật nghiêm; thêm vào đó là sự quan liêu, coi thường dân … làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Về phía dân chúng cũng còn nhiều bất cập, từ sự nhận thức đến hành động, vẫn còn tình trạng “dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan”, không gắn dân chủ với kỷ cương, luật pháp … cũng ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát huy dân chủ. Việc nể nang, thờ ơ, vô cảm cũng hạn chế đến dân chủ. Đã có lần Bác Hồ chỉ ra rằng “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm”. Do vậy, phải tạo mọi điều kiện, từ cơ sở pháp lý, thực thi dân chủ xã hội, văn minh đến năng lực, trí tuệ, tinh thần để “người chủ” thực sự “làm chủ”.
Với đời sống xã hội, đất nước ta hiện nay, cần tăng cường “dân chủ trực tiếp”. Trước hết cần tiếp tục đổi mới hoạt động cơ quan quyền lực của nhân dân từ cấp quốc gia đến cơ sở. Ví như, Quốc hội dù ngày càng có nhiều đổi mới song phải đổi mới mạnh hơn nữa. Đại biểu Quốc hội phải mang tính chuyên nghiệp, nên nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách do dân bầu, là những người có năng lực làm luật, có trình độ, tri thức thảo luận và quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Số đại biểu còn lại cần “cơ cấu” những thành phần dân cư đặc trưng của xã hội, ví như thành phần dân tộc, tôn giáo, nhân sỹ, công nhân, nông dân … Thành phần này nên do Mặt trận lựa chọn, giới thiệu. Đặc biệt, hạn chế số lượng quan chức trong bộ máy hành chính tham gia Quốc hội. Còn Đảng thì giới thiệu những người đại diện tham gia Quốc hội, không nhất thiết cơ cấu quá nhiều Ủy viên Trung ương tham gia Quốc hội. Ở cấp tỉnh thành đến cơ sở cố gắng “nhất thể hóa”, nhưng người đứng đầu nên tổ chức “đại cử tri” bầu, rồi bố trí bầu vào cấp ủy. Như thế mới là “ý Đảng, lòng dân”, được nhân dân ủng hộ, thực sự là người đại diện cho dân. Trong điều kiện hiện nay của đất nước ta, hoàn toàn tin tưởng ở sự lựa chọn có trách nhiệm và chính xác của nhân dân. Tin dân, hiểu dân, trọng dân thực sự là chìa khóa để mở ra cơ chế đưa “dân là chủ” lên “dân làm chủ”.
Khắc phục tình trạng “nói nhiều làm ít”
Tình trạng “nghĩ một đằng, làm một nẻo”, “nghĩ vậy nhưng không làm vậy”, nói nhiều làm ít, thậm chí nói mà không làm, đã được đề cập nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt trong các Nghị quyết về xây dựng Đảng, về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, xin nêu về “nói và làm” trong công tác vận động quần chúng liên quan đến vấn đề “Phát huy sức mạnh toàn dân”.
Đại hội VI đã nhấn mạnh tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phải chăm lo củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Nghị quyết 8B-NQ/HNTW (1990) chuyên về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng”. Đại hội VII (1991) xác định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở” (1998). Bộ Chính trị khóa X ra Quyết định về “Quy chế công tác dân vận của Hệ thống chính trị” (2010). Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (2013). Và Đại hội XII (2015) đề ra “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”. Rõ ràng, công tác vận động quần chúng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, có tính sống còn của Đảng, của chế độ, là động lực phát triển đất nước trong mọi thời kỳ lịch sử, được Đảng ta luôn quan tâm và thực hiện. Điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới đất nước. Nhưng ai ai cũng có thể nhận ra công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Cho nên, dường như mọi người đều cho rằng bài báo “Dân vận” Bác Hồ viết từ năm 1949 đến nay không những còn nguyên giá trị về tầm tư tưởng, lý luận mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc. Nếu đối chiếu, so sánh những nội dung Bác Hồ nêu ra hơn 70 năm về trước với thực tiễn công tác dân vận hiện nay dường như đó vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi.
Như vậy, giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm còn khoảng cách, nhân dân thường nói “thấy sấm mà không có mưa”. Bác Hồ đã dạy: “Những người phụ trách dân vận phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo … không những không đưa lại hiệu quả của công việc, mà quan trọng hơn là làm chủ trương chính sách “mất thiêng”, dẫn đến làm mất niềm tin của dân chúng. Mất niềm tin là mất tất cả! Tình trạng nói không đi đôi với làm là thể hiện sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, không tôn trọng dân và cũng không tôn trọng mình, nó có nguồn gốc sâu xa từ sự thiếu trung thực. Cho nên, việc phải xây dựng đức tính trung thực cho cán bộ chưa bao giờ được đặt ra cấp bách như hiện nay. Trước đây ai đi làm cách mạng, ai vào Đảng, trước hết phải trung thực với Đảng, không nói dối, không che giấu một điều gì, có như vậy mới trung thành được. Ngày nay, lề thói gian lận, dối trá nhan nhản trong đội ngũ chúng ta, gian từ bằng cấp, thành tích đến cả tuổi tác, cả hộ tịch, hộ khẩu, hộ chiếu…, làm tổn thất nặng nề đến văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và làm mất niềm tin của nhân dân.
Vậy cho nên, muốn “dân vận khéo”, muốn tập hợp và phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân cần phải làm nhiều hơn nữa cho dân. Thực hiện thường xuyên lời dạy của Bác Hồ: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới …, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư. Phải thực sự thẩm thấu lời Bác dạy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Và “đối với dân, ta đừng làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”.
Đổi mới công tác dân vận
Trong bài báo “Dân vận” ngày 15/10/1949 Bác Hồ đã chỉ ra: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả các hội viên của tổ chức nhân dân … đều phải phụ trách dân vận”. Nghị quyết 25-NQ/TW (2013) của Trung ương khóa XI khẳng định: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận doàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Xin nêu 2 điểm về Mặt trận – Cơ quan tham mưu, nòng cốt về công tác dân vận của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rất rõ ràng và cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy vậy, qua hoạt động thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa làm tròn được vai trò, chức năng, nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Mặt trận trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận. Mặt trận phải thực sự là mặt trận nhân dân, tổ chức tập hợp và đại diện cho nhân dân, tạo môi trường và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với tư cách là người chủ của đất nước. Khắc phục phương thức hoạt động mang tính hành chính hóa, công chức hóa đã được đề cập từ lâu mà rất chậm được khắc phục. Làm sao để nhân dân tự giác phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát hoạt động của các tổ chức và phản biện xã hội. Một số tổ chức cấu thành Mặt trận cũng cần nghiên cứu để tổ chức phù hợp với thời đại và hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển đất nước, làm sao để tập hợp được đông đảo mọi người, không bỏ sót một ai, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Khắc phục tình trạng mà Bác Hồ đã chỉ ra từ hơn 70 năm về trước “khuyết điểm to ở nhiều nơi là chưa coi trọng công tác dân vận”, “khinh việc dân vận”. Từ cấp Trung ương đến cơ sở, không ít người được giao phụ trách công tác Mặt trận – Dân vận đã cố tìm ra lý do này nọ để thoái thác. Phải thực hiện nghiêm những lời dạy của Bác Hồ và Nghị quyết của Đảng với tinh thần cơ bản: “Ai cũng phải làm công tác vận động quần chúng”. Đồng thời, phải lựa chọn, xây dựng đội ngũ làm nòng cốt trong cơ quan Mặt trận - Dân vận đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, đủ năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm nắm bắt và phân tích thực tiễn, có kỹ năng làm công tác dân vận, gần dân, hiểu dân, trọng dân, luôn coi mình là con dân, là “đày tớ của dân”; có vậy mới thực hiện được lời dạy của Bác Hồ là “dân vận khéo”. Tuyệt đối không bố trí cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật hoặc dư luận phê phán làm công tác dân vận. Phong cách tốt nhất của cán bộ Mặt trận - Dân vận như Bác Hồ đề ra “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Tóm lại, muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cần phải “dân chủ rộng rãi”, “pháp luật công bằng", kết hợp đạo đức nhân văn, “tự do, bình đẳng”, nhân dân phải được sống với chân giá trị, được an toàn, an ninh, từ đó có niềm tin và cống hiến./.
Nguồn: Mặt trận Trung ương