“ĐAU ĐẦU” BÀI TOÁN XỬ LÝ RÁC
Quá trình đô thị hóa, gia tăng về dân số cộng với nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt cả về số lượng và thành phần. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra càng trở nên phổ biến. Ô nhiễm không chỉ xảy ra ở các khu đô thị, thành phố mà còn ở cả những vùng nông thôn.
Rác hữu cơ sau khi phân loại được chị Nguyễn Thị Huyền, thôn 6B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập ủ làm phân bón cho vườn rau của gia đình
Số liệu thống kê cho thấy, trung bình rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh 0,5kg/người/ngày, khu vực đô thị khoảng 1kg/người/ngày. Mỗi năm, các địa phương đều “đau đầu” với bài toán xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời củng cố tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Bởi lượng rác thải ra ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư và vấn đề tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không dễ.
Chúng tôi hiện chỉ có một xe để đi thu gom rác cho toàn xã. Nếu muốn phân loại thì phải đầu tư nhiều hơn và phải có thùng chứa rác các loại. Với mô hình thu gom theo kiểu tổ hợp tác như chúng tôi thì rất khó phân loại. Anh NGUYỄN VĂN NAM, nhân viên thu gom rác xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh |
Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác hiện nay chủ yếu vẫn mang tính thủ công, sử dụng phương tiện thu gom thô sơ chuyên chở về nơi tập trung rồi xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Đơn vị thu gom vẫn chưa thực hiện phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển mà thường bỏ chung tất cả rác để vận chuyển đi.
“LỢI KÉP” TỪ PHÂN LOẠI RÁC TẠI NHÀ
Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Do đó, việc thực hành và tạo thói quen phân loại rác cho người dân là rất quan trọng. “Tôi thấy việc làm này vừa thiết thực vừa sạch sẽ, vệ sinh môi trường mà cũng không khó làm. Rác sinh hoạt thải ra, chỉ có rác vô cơ không phân hủy được mới chờ đội vệ sinh môi trường của xã đến thu gom. Nhờ vậy lượng rác cũng giảm nhiều” - chị Lê Thị Tú chia sẻ.
Chị Huyền tiết kiệm nuôi heo đất từ tiền bán phế liệu sau phân loại rác thải tại nhà
Chị Tú là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 6B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập. Chi hội của chị đã triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nhà từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình chị đều được phân thành 3 loại. Rác vô cơ bỏ vào một thùng. Rác hữu cơ bỏ vào một thùng. Số rác có thể tái chế được chị dồn lại bỏ riêng vào bao tải. Thói quen bỏ tất cả rác vào chung một thùng đã không còn. Phân loại rác thải mỗi ngày, chính chị cũng cảm thấy sự thay đổi rõ rệt từ môi trường sống xung quanh.
“Khi mình làm hằng ngày thì sẽ biết phân loại thôi. Trước đây, mình cứ gom hết lại nên hầu như ngày nào cũng có bịch rác lớn. Nhưng bây giờ vài ngày mới gom được một bịch. Đến nhân viên thu gom rác cũng bảo nhà mình sao nay ít rác” - chị Nguyễn Thị Huyền, thôn 6B, xã Bình Thắng cho biết.
Mỗi gia đình chỉ cần chuẩn bị 2 thùng riêng biệt để chứa rác. Rác không phân hủy thì được thu gom, rác có thể phân hủy được thì người dân sử dụng làm phân bón cây trồng. Nhờ vậy hạn chế lượng lớn rác thải ra môi trường mà không cần đợi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom hay phải qua bước xử lý của nhà máy. |
Đối với phụ nữ thôn 6B, xã Bình Thắng, việc phân loại rác thải tại nhà không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại cho chị em niềm vui nhỏ. Bởi sau khi phân loại, rác có thể tái chế được chị em bán cho cơ sở thu mua phế liệu, sau đó dành dụm chia sẻ với chị em khó khăn trong hội. “Tiền bán phế liệu chúng tôi dành dụm bỏ vào heo rồi cuối năm đập heo hỗ trợ chị em khó khăn. Số tiền không nhiều nhưng chúng tôi rất vui” - chị Trần Thị Hương Nhạn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thắng cho biết.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực lớn đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý. Do đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, giảm khối lượng rác thải phát sinh phải vận chuyển, xử lý, bảo vệ môi trường sống.
Theo BPO
Bốn tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ đuối nước thương tâm, làm chết 10 người. Số vụ và số người chết do đuối nước năm sau luôn cao hơn năm trước.