Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 vẫn còn gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng gây ra bệnh nhẹ, một số người có thể có ý nghĩ rằng “trước sau gì cũng mắc COVID” hoặc “mắc COVID-19 cho xong” để sớm tận hưởng lại cuộc sống như trước kia. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo đây không phải là một ý tưởng hợp lý bởi nhiều lý do.
Bạn có thể bị bệnh nặng hơn so với những gì bạn nghĩ
Tiến sĩ Ashish Jha, bác sĩ và là Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng, Đại học Brown (Mỹ) cho biết: “Ngay cả những người được tiêm liều tăng cường và không phải nhập viện vẫn có thể khá khổ sở trong vài ngày nếu bị nhiễm virus”.
Mặc dù biến thể Omicron dường như gây ra bệnh nhẹ hơn cho nhiều người và một số người nghĩ nó giống với cảm lạnh thông thường hoặc cúm, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro khi nhiễm virus SARS-CoV-2, theo Tiến sĩ Emily Landon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm.
Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khiến bạn thuộc nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm tuổi tác, bệnh nền, tình trạng tiêm chủng, bạn vẫn có thể bị bệnh nặng.
Bạn có thể lây truyền virus cho những người dễ bị tổn thương
Khi mắc COVID-19, bạn có thể vô tình lây truyền virus cho người khác trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nhà dịch tễ học Bill Miller của Đại học Bang Ohio cho biết, bạn có thể tiếp xúc với gia đình, bạn cùng phòng, đồng nghiệp hoặc những người ngẫu nhiên trong cửa hàng tạp hóa. Trong khi bạn đã đưa ra quyết định để cho phép bản thân tiếp xúc và lây nhiễm, những người đó có thể đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn bạn. Ông Miller cho rằng bạn đã ép buộc quyết định của mình lên người khác và quyết định đó có thể gây ra bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong.
Tiến sĩ Judy Guzman-Cottrill, giáo sư nhi khoa tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, nhấn mạnh, bạn có thể lây bệnh sang một đứa trẻ còn quá nhỏ để tiêm phòng. “Trên khắp đất nước và ở bang nơi tôi sống, chúng tôi đang chứng kiến nhiều trẻ em ốm yếu hơn phải nhập viện vì viêm phổi, viêm thanh khí phế quản và viêm tiểu phế quản do COVID-19”, bà nói.
Khả năng miễn dịch của bạn sẽ kéo dài vài tháng, không phải hàng năm
Ông Jeffrey Townsend – Giáo sư sinh học tiến hóa và thống kê sinh học tại Trường Y tế Công cộng Yale, đã giải thích những yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Thứ nhất, về mức độ kháng thể, ngay sau khi bạn được tiêm đầy đủ, tiêm nhắc lại hoặc đã bị nhiễm trước đó, lượng kháng thể của bạn tăng vọt và bạn không có khả năng bị bệnh. Tuy nhiên, những mức cao đó sẽ không duy trì lâu dài. Thứ hai, về bản chất thay đổi của mầm bệnh, khi virus tiến hóa và xuất hiện các biến thể, các kháng thể đang suy yếu không thể nhắm mục tiêu chính xác đối với các biến thể mới. Omicron là một ví dụ điển hình về một loại virus đã bị đột biến, được cho là né tránh miễn dịch.
Nhóm nghiên cứu của ông Townsend ước tính sự tái nhiễm có thể xảy ra trong khoảng từ 3 tháng đến 5 năm sau khi nhiễm bệnh, với thời gian trung bình là 16 tháng. Điều này dựa trên phân tích dữ liệu từ các kháng thể trước đó đối với các loại virus Corona trước đó.
Bạn có thể góp phần làm quá tải hệ thống y tế
Được biết, các ca nhập viện đang ở mức cao của đại dịch, đồng thời nguồn lực và nhân viên bệnh viện không được đáp ứng đủ ở nhiều khu vực. Do đó, tình trạng mắc COVID-19 của bạn có thể làm gia tăng thêm căng thẳng cho hệ thống y tế.
Ông Miller cho hay: “Quyết định cho phép mình bị nhiễm bệnh có thể gây ra một loạt các ca nhiễm khác, thường là vô tình, dẫn đến việc nhiều người hơn nữa cần phải nhập viện”.
Hiện tại, không chỉ các nhân viên y tế đang căng thẳng và kiệt sức, mà những bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe khác không có cơ hội được chữa trị và thậm chí tử vong.
Bạn có thể không được tiếp cận với các phương pháp điều trị
Tại Mỹ, nhiều bệnh viện đã báo cáo tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị COVID-19 sử dụng kháng thể đơn dòng. Đó cũng là vấn đề tương tự với thuốc kháng virus mới như Paxlovid - thuốc của hãng Pfizer phải được sử dụng trong vài ngày đầu khi có triệu chứng để thuốc có hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Landon cho biết bệnh viện của cô ấy có nguồn cung cấp thuốc điều trị COVID-19 hạn chế. “Chúng không có sẵn cho hầu hết mọi người ngay bây giờ”.
Nguy cơ bị hội chứng COVID kéo dài
Dù bạn nhiễm bất kỳ loại biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả Omicron, bạn vẫn có nguy cơ mắc các di chứng hậu COVID-19. Một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng trẹ cũng bị COVID kéo dài và nhiều người khỏe mạnh vẫn gặp các triệu chứng COVID kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau hồi phục.
Mặc dù có vẻ bạn không thể tránh khỏi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vì một số lý do nào đó, nhưng hãy luôn cẩn thận và tuân thủ theo các quy tắc phòng ngừa. Mắc COVID-19 không phải lựa chọn hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch bởi nó không cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời. Tốt hơn hết là chúng ta nên có được khả năng miễn dịch thông qua vaccine./.
St