Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung quy định về Đại biểu Quốc hội
Về tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội, theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, để trở thành đại biểu Quốc hội phải đáp ứng 05 điều kiện như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội… Hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung thêm 01 điều kiện là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Về số lượng đại biểu quốc hội, Luật Tổ chức quốc hội năm 2014 quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Trong đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung đã nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên “ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội”.
Đồng thời, Luật bổ sung quy định: số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn. Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung quy định về Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Một trong những nội dung bổ sung của Luật này là quy định về nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
Về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Luật bổ sung quy định: Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội được quyền quy định việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Thứ ba: Bổ sung quy định về Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội
Về cơ cấu tổ chức, theo quy định của Luật năm 2014, Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên thường trực. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực. Nay, theo quy định của Luật sửa đổi thì Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.
Về nhiệm vụ quyền hạn, Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra nội dung liên quan đến lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban. Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự. Báo cáo, nghị quyết, kiến nghị, các nội dung khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành. Thành viên cửa Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp thì phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.
Thứ tư: Bổ sung về kinh phí hoạt động của Quốc hội
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nay, Luật năm 2020 bổ sung thêm thành phần thuộc kinh phí hoạt động của Quốc hội là lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội. Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định.
Ngọc Thành (nghiên cứu, tổng hợp)