Trong thời gian này, Karwat không động tới thức ăn nhanh, không mua sắm quần áo mới, không dùng cả giấy vệ sinh, tiết kiệm hết mức tới nỗi gom lại, số rác sinh hoạt xả ra mỗi năm của anh chỉ vừa đủ hai túi nhựa.
Karwat, người gốc Ấn Độ, bắt đầu thử nghiệm cuộc sống "không xả rác" từ khi sống ở Ann Arbor, Michigan, và đã duy trì được trong 2 năm rưỡi. Năm đầu tiên, số rác Karwat xả ra là 3,4 kg. Đến năm thứ hai, số rác xả ra được giảm xuống còn 2,7 kg - chỉ bằng 0.4% của một người xả rác trung bình mỗi năm tại Mỹ.
Dự án của Karwat lấy cảm hứng từ một tập trên chương trình The Story, kể về một cặp đôi người Anh sống không xả rác. Karwat sau đó về nhà nói với bạn cùng phòng rằng mình còn có thể làm tốt hơn.
Trong một bài viết cho Washington Post, Karwat chia sẻ: "Và như thế, tôi đã bắt đầu thử nghiệm của mình - sống đối mặt với các vấn đề môi trường lớn trong mọi hoạt động cá nhân".
Túi rác của Karwat chủ yếu chỉ có vài vỏ túi bim bim, nắp chai sữa thủy tinh, nhãn dán trái cây và thủy tinh vỡ cho thấy người đàn ông này đã hy sinh nhiều như thế nào để đạt được thành quả này. Karwat không mua mọi thực phẩm đóng gói bao gồm pho mát, chỉ uống sữa từ chai tủy tinh tái chế, và không mua quần áo mới, dụng cụ gia đình, không đồ tiện ích, không nội thất. Karwat thậm chí mang dao, dĩa , đĩa và bát riêng tới mọi nơi, để tránh dùng đồ nhựa.
Từ bỏ nhiều thứ như vậy đồng nghĩa với đời sống xã hội của Karwat không dễ dàng gì. Mang theo cốc thủy tinh riêng đến dự tiệc để tránh dùng cốc giấy chắc chắn không "thuận mắt" nhiều người, nhưng Karwat nghĩ cũng đáng để mình làm điều đó, bởi cuối cùng anh đã thành công trong việc chứng minh với mọi người rằng ai cũng có thể theo phong cách sống bền vững, chỉ cần họ chọn sống như vậy. Và nhìn lại tất cả, Karwat không nghĩ cuộc sống của mình đã phải thay đổi quá nhiều.
Karwat tin rằng nếu mình có thể sống một lối sống không xả rác thì ai cũng có thể, và mọi người nên thử. "Chúng ta không cần quay ngược lại quá khứ để chú ý đến ranh giới môi trường. Chỉ cần sáng tạo. Tôi đã bắt đầu với kế hoạch 1 năm, nhưng cuối cùng kéo dài tới 2 năm rưỡi - tất cả thời gian còn lại của tôi ở Ann Arbor", Karwat nói.
Mỗi năm 250 triệu tấn rác được xả ra tại Mỹ.
Theo báo Dân trí