Việc thông qua Nghị quyết tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với đồng bào DTTS trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với phát triển chung của cả nước.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân trình bày dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Bước ngoặt mang tính lịch sử
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp 118 chính sách dân tộc; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thay cho những nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình MTQG này với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện. Nghị quyết được ban hành đã thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là một Chương trình có tính lịch sử, mang dấu ấn sâu sắc, quan trọng trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.
Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đã quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn 2022 - 2025. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định liên quan; Bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ngành và các địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là vùng khó khăn; phù hợp với tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn khó khăn, giải quyết các vấn đề bức xúc nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; phân bổ vốn đầu tư Chương trình bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Không phân bổ vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên.
Căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách, ngân sách địa phương hằng năm bố trí đối ứng tối thiểu bằng 15% trên tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình (trong đó, ngân sách tỉnh hằng năm bố trí đối ứng tối thiểu là 10%, ngân sách cấp huyện hằng năm bố trí đối ứng tối thiểu là 5%); Thực hiện tích hợp, lồng ghép các nội dung chính sách để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.
Tập trung bố trí nguồn lực cho những giải pháp cấp bách
Nước ta có 53 DTTS với 14.118.232 người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Riêng tại tỉnh Bình Phước, đã có 40 thành phần DTTS với 201.477 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh, cao hơn tỉ lệ chung của cả nước. Bà con tập trung chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh. Toàn tỉnh có 4.872 hộ nghèo, trong đó có 2.830 hộ nghèo DTTS, chiếm 58,09% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh đặt ra những thách thức giảm nghèo đối với hộ dân tộc thiểu số. Nếu không có chính sách kịp thời, đầu tư bài bản thì dần dần người nghèo cơ bản chỉ còn là người DTTS. Vì vậy, việc thông qua Nghị quyết trên là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Để góp phần thực hiện Chương trình, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước được phân bổ 873.410 triệu đồng, trong đó vốn trung ương là 793.410 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh là 80.000 triệu đồng (Riêng năm 2022, là 156.060 triệu đồng) thực hiện các dự án của Chương trình, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, 100% Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết
Theo ông Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đây là chương trình rất lớn, lần đầu tiên Đảng, Nhà nước dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây để xây dựng một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương tích cực, nhanh chóng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các quy định, yêu cầu đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện.
Sau khi Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước chính thức có hiệu lực, các sở, ban, ngành, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.
Thu Hà - Ban Dân tộc tỉnh