Sau hơn 23 năm tái lập, Tỉnh ủy đã nhiều lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bình Phước xây dựng nghị quyết chuyên đề riêng về chiến lược phát triển. Nghị quyết này là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X với nhóm chuyên gia ở Đại học Fulbright Việt Nam, trong đó gồm những nhà khoa học có uy tín, giàu kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn trong lĩnh vực chính sách công. Điểm đột phá trong nghị quyết này là tầm nhìn chiến lược mang tính khái quát cao, quyết tâm lớn; đồng thời thể hiện rõ khát vọng bứt phá trong mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Khẳng định vị thế, tiềm năng và hướng đi
Điểm mới nổi bật là nghị quyết đã khẳng định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xu hướng quốc tế và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải được đặt trong bối cảnh phát triển của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Và để thực hiện được mục tiêu nêu trên thì phải chủ động chuyển từ trạng thái “dự trữ” tiềm năng thành “động lực” tăng trưởng và phát triển cho cả vùng; nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tham gia hình thành các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng.
Thứ tự ưu tiên phát triển đến năm 2030, nghị quyết đã chỉ rõ là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; giai đoạn tiếp theo sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp hóa nông nghiệp tạo ra sự dịch chuyển lao động từ nuôi trồng sang công nghiệp và dịch vụ; phát triển các cụm ngành sản phẩm chiến lược với trọng tâm là chế biến và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với việc làm ổn định cho người dân.
Về phát triển văn hóa - xã hội, nghị quyết yêu cầu phải quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Quy hoạch, dự trữ quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao khi đủ các điều kiện. Hướng đến phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Nghị quyết đề ra từ nay đến năm 2050, tỉnh đạt được 5 mục tiêu sau: Trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm chất lượng cao thuộc nhóm 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Luôn là tỉnh có môi trường kinh doanh tốt thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Có môi trường và điều kiện tốt cho lực lượng trí thức phát huy trí tuệ sáng tạo, phát triển. Giữ gìn và xây dựng môi trường sống tốt, hòa hợp với thiên nhiên và bền vững. Nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh - Ảnh: Anh Ngọc
Về GRDP bình quân đầu người, nghị quyết đã xây dựng 3 kịch bản như sau: Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 6% thì đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người sẽ là 3.800 USD, năm 2030 là 5.000 USD, năm 2050 là 12.000 USD; nếu tăng 9-10% thì đến năm 2025 là 4.500 USD, đến năm 2030 là 7.000 USD và đến năm 2050 là 20.000 USD; nếu tăng 12% thì đến năm 2025 là 7.000 USD đến năm 2030 là 10.000 USD và đến năm 2050 là 24.000 USD. Tuy nhiên, Tỉnh ủy đã chọn mức tăng 9-10%. Về thu ngân sách, nghị quyết cũng đưa ra 3 kịch bản như sau: Mức tăng 7% thì năm 2020 sẽ là 10.000 tỷ đồng, năm 2025 là 14.000 tỷ đồng, năm 2030 là 20.000 tỷ đồng; nếu tăng 11% thì năm 2025 là 17.000 tỷ đồng và đến năm 2030 là 28.000 tỷ đồng; nếu tăng 15% thì năm 2025 là 20.000 tỷ đồng và năm 2030 sẽ là 40.000 tỷ đồng. Tỉnh ủy đã chọn kịch bản tăng 9-10%.
Đặc biệt, với Nghị quyết số 13-NQ/TU, lần đầu tiên Tỉnh ủy xác định các trung tâm phát triển và định hướng quy hoạch không gian. Theo đó, 3 vùng đô thị có sức lan tỏa mạnh là: thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long. 3 trung tâm động lực là thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và huyện Đồng Phú. 3 hành lang phát triển là quốc lộ 13, quốc lộ 14 và đường tỉnh 741.
Các giai đoạn phát triển
Từ năm 2020-2030 là giai đoạn xây dựng nền tảng ban đầu: Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung để tạo dựng được các hạ tầng “cứng và mềm” một cách cơ bản và xác định các định hướng phát triển kinh tế chính. Xây dựng được các nền tảng của một địa phương, dựa vào các cụm ngành có tiềm năng trên nguyên tắc tạo ra nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách. Xây dựng bằng được các hạ tầng trọng yếu kết nối với các địa phương khác và kết nối giữa các đầu mối kinh tế trong tỉnh, hướng tới kết nối vùng tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Tạo dựng được các chính sách để khuyến khích cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng; phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý. Phối hợp với các địa phương có cùng lợi ích, nhằm tạo dựng những cấu trúc thể chế liên kết hợp lý trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích.
Từ năm 2030-2050 trở thành địa phương phát triển: Ở giai đoạn này, nghị quyết chỉ rõ: Phát triển các cụm ngành có tính lan tỏa, tạo nhiều việc làm có thu nhập và các nguồn thu ngân sách bền vững. Tạo dựng nền tảng giáo dục cơ sở và đào tạo dạy nghề có chất lượng cao, tập trung vào nhu cầu từ các cụm ngành trọng tâm của tỉnh. Cùng với các địa phương khác tạo dựng một cấu trúc liên kết vùng thực chất thúc đẩy sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Về định hướng kế hoạch, chương trình hành động từ năm 2020-2025, nghị quyết nêu rõ: Tạo dựng những nền tảng cơ bản về hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” cho sự phát phiển của tỉnh đến năm 2050. Trong đó, tập trung phát triển các hạ tầng kết nối với bên ngoài và gắn kết các trung tâm kinh tế của tỉnh để đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%/năm; duy trì mức sinh thay thế, tăng nhanh dân số cơ học để có tổng mức tỷ lệ tăng dân số hằng năm từ 2-2,5% và tập trung để đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35% vào năm 2025; tạo ra 200 ngàn việc làm mới trong các doanh nghiệp và tổ chức, trong đó có khoảng 60 ngàn việc làm từ thu hút người nhập cư; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; mỗi năm giảm khoảng 2.000-2.500 hộ nghèo; tăng trưởng nguồn thu ngân sách ở mức 10-12%/năm và ngân sách của tỉnh sẽ đạt 18-18,5 ngàn tỷ đồng vào năm 2025; dành trên 50% tổng chi ngân sách chi cho đầu tư phát triển; đến năm 2025 huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 185 ngàn tỷ đồng.
Nghị quyết cũng xác định rõ các trọng tâm cần tiến hành nhanh và đồng bộ trong giai đoạn 2020-2025 là: Hình thành các yếu tố cơ bản của các cụm ngành kinh tế. Xây dựng cơ chế hữu hiệu khai thác giá trị từ đất cho đầu tư phát triển; thu hút và giữ chân các doanh nghiệp, người có chuyên môn cao, các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh. Xây dựng cơ chế phù hợp, triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội; khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tích cực làm việc, thực sự là công bộc của nhân dân.
Để đạt các mục tiêu nêu trên, nghị quyết cũng đã chỉ rõ cách thức tiến hành, gồm: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và các tổ công tác thực hiện chương trình hành động về tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban trực, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Phó ban, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thành viên thường trực Ban chỉ đạo - Tổ trưởng Tổ giúp việc. Cơ quan thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc họp định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá kết quả thực hiện. Thành lập công ty phát triển Bình Phước có tiềm lực về tài chính, công nghệ và đội ngũ cán bộ có năng lực, đủ khả năng thực hiện các dự án lớn, quan trọng của tỉnh.
Đặc biệt, nghị quyết đề ra những việc cần làm trong năm 2020: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, các tổ công tác về triển khai chương trình hành động; chuẩn bị các điều kiện để hình thành công ty phát triển Bình Phước. Nghị quyết cũng yêu cầu các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.
Nguồn: Bình Phước Onlinn