Chuyển biến tích cực
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Xuân Trang cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường được các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng thẩm quyền…
Đoàn giám sát kiểm tra khu vực sản xuất đá 1x2 (22) rửa đạt chuẩn quốc tế tại mỏ đá Hùng Vương, Công ty TNHH Hùng Vương, ấp 4, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài
Theo đánh giá của đoàn, nhờ thường xuyên được các ngành chức năng của huyện, tỉnh tuyên truyền, phổ biến, kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nên đa số cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su trên địa bàn thành phố Đồng Xoài đã chú ý đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thu mua và sơ chế mủ cao su. Một số cơ sở đang cải tạo, mở rộng các bể thu gom nước thải, trang bị máy bơm hút để kịp thời thu gom, tránh chất thải tràn ra ngoài môi trường gây ô nhiễm, nhất là thời điểm mưa lớn; việc thu gom nước thải để xử lý được thực hiện hằng ngày hoặc 3 ngày/lần.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, đoàn nhận thấy các cơ sở thu mua, sơ chế này đều nằm trong khu dân cư, liền kề với các hộ dân; quá trình thu mua, sơ chế mủ cao su, các cơ sở này vẫn còn phát sinh mùi hôi, tuy không quá đậm đặc nhưng cũng ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh… Đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về môi trường
Lãnh đạo huyện Lộc Ninh cho biết, hiện trên địa bàn huyện việc thu gom, vận chuyển rác ở nội ô và các xã lân cận được thực hiện theo hình thức xã hội hóa nên còn bị động và thiếu phương tiện vận chuyển rác đến bãi đổ tập trung của huyện (hiện đơn vị chỉ có 2 xe vận chuyển rác). Bên cạnh đó, việc giải tỏa 40 ha đất tại ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thành để xây dựng nhà máy xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo thành phố Đồng Xoài cho biết, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân còn chưa nhận thức cao về bảo vệ môi trường, còn vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn, xử lý chất thải, đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được tuyên truyền và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, phương tiện thu gom, vận chuyển không có thiết kế riêng biệt nên rác sau khi phân loại lại được thu gom, vận chuyển, xử lý chung, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Thành phố chưa được quy hoạch các điểm tập kết trung chuyển rác cố định. Rác chủ yếu được tập kết tạm dưới lòng đường, vỉa hè hoặc trên xe đẩy tay thu gom, nằm xen kẽ ở các khu dân cư, phần nào ảnh hưởng đến những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Đồng Phú
Đối với huyện Đồng Phú, do số lượng nhà máy sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trang trại chăn nuôi ngày càng gia tăng, một phần làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trang trại chăn nuôi chưa cao gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và ảnh hưởng chất lượng môi trường. Địa bàn phân bố rộng trên 11 xã, thị trấn với 3 khu, cụm công nghiệp nên khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ UBND các xã, thị trấn; đồng thời có sự chung tay kiểm soát của toàn xã hội.
Đoàn giám sát kiểm tra khu vực dự kiến xây dựng bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, có phân cấp cho UBND cấp xã thực hiện thủ tục đăng ký môi trường. Tuy nhiên, công chức phụ trách công tác quản lý môi trường của UBND cấp xã không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý môi trường. Vì vậy, công tác quản lý thực hiện có nhiều hạn chế.
Trong năm 2022, các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú và thị xã Chơn Thành đã kiểm tra 35 trại chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 7 trường hợp với tổng số tiền phạt 245 triệu đồng; ban hành quyết định xử phạt 5 trường hợp chăn nuôi heo đã xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường với tổng số tiền phạt 6.250.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính 11 đơn vị sản xuất gạch ngói về hành vi tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, các địa phương đã tiếp nhận và xử lý 10 ý kiến phản ánh của cử tri, nhân dân liên quan đến các trang trại chăn nuôi heo và khai thác khoáng sản. |
Cần sự phối hợp đồng bộ hơn
Để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhiều địa phương cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét chấp thuận xã hội hóa một phần trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn hoặc trang bị thêm phương tiện để vận chuyển rác. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh hỗ trợ trong việc kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải của các huyện, thị, thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trại heo theo thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, nhằm hạn chế ô nhiễm trong lĩnh vực chăn nuôi heo trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với những công ty, doanh nghiệp theo thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm...
Các ngành chức năng cần có biện pháp tăng cường, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường cả về số lượng và chất lượng để nâng cao khả năng quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. UBND tỉnh xem xét chấp thuận thực hiện ký hợp đồng lao động hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường ở cấp huyện và cấp xã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 51/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Mục đích của đợt giám sát lần này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời phát hiện những nhân tố, mô hình tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên để nhân rộng. Thông qua hoạt động giám sát, phát hiện, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh phù hợp thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự đồng thuận của xã hội về bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên của địa phương. |
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Thị Xuân Trang |
Theo BPO