Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được người dân Việt Nam kính trọng mà còn là sự ngưỡng mộ, trân trọng của bạn bè năm châu trên thế giới. Thế giới tôn vinh Người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất do sự đóng góp quan trọng của Người, trong đó có lĩnh vực văn hóa ngoại giao. Văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, thể hiện qua giá trị “Chân”, “Thiện”, “Mỹ” xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng, hoạt động ngoại giao của Người
Nói đến “Chân” là nói đến sự chân thành, chân thật, trung thực giữa người với người. Trong quan hệ ngoại giao, Người luôn dùng lòng chân thành để đối đãi, ứng xử với bạn bè, đồng chí, nhân dân và cả kẻ thù. Sự chân thành ấy tuyệt nhiên không phải nhất thời, cũng không phải âm mưu, thủ đoạn mà nó thuộc về bản chất đạo đức ngoại giao của Người.
“Thiện” biểu hiện rõ nhất ở Người đó là sự lương thiện, sự tử tế, lòng vị tha, nhân hậu, tình thương yêu con người. Kiên trì đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân chính là mục tiêu xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là điều “Thiện” cao quý nhất của Người.
“Mỹ” ở đây chính là nét đẹp trong tư duy và hoạt động ngoại giao của Người. Cuộc đời Bác bôn ba qua nhiều nước khác nhau và đặc biệt là đến đâu thì Người đều lưu ý học hỏi, tìm hiểu đặc trưng văn hóa nơi mà mình đến, nên tư duy cũng như lối ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù mang đậm nét văn hóa riêng của người Việt, nhưng cũng không bị lạc lõng trước bạn bè quốc tế, thậm chí còn tạo nên cảm xúc đặc biệt cho những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hoa từ các em bé trong chuyến thăm Cộng hoà Dân chủ Đức tháng 7/1957
Hai là, thể hiện qua tri thức và ngôn ngữ ngoại giao của Người
Chủ tịch Hồ Chí Minh có trí tuệ uyên bác, ngôn ngữ phong phú, sinh động và sắc bén. Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc ta đã thể hiện rõ nét trí tuệ và sự lãnh đạo tài tình của Người qua tầm nhìn, bản lĩnh với những chủ trương, quyết sách ngoại giao sáng suốt để đưa cách mạng Việt Nam dẫn đến thành công.
Bằng trí tuệ uyên bác và tài ứng xử khéo léo, hài hước, tự nhiên, cùng những lập luận sắc bén và cách chơi chữ tài tình, trong giao tiếp, Người luôn truyền đạt những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của mình một cách tự nhiên, đơn giản, không dài dòng, vòng vo nhưng vẫn lôi cuốn, hấp dẫn được nhiều người khác, đồng thời tạo nên phong cách ngoại giao đặc sắc của Người.
Không chỉ có trí tuệ lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sở hữu vốn ngôn ngữ phong phú và giàu sắc thái. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau và sử dụng thông thạo các ngôn ngữ đó để vận dụng linh hoạt, thiên biến vạn hóa trong giao tiếp, ứng xử.
Bác Hồ với các nhà ngoại giao quốc tế tại Thủ đô Hà Nội
Ba là, thể hiện trong phong cách và nghệ thuật ngoại giao của Người
Nét độc đáo này trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng cùng tài trí thông minh, nghị lực và bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, gần gũi, cởi mở, thẳng thắn, tự tin và phong cách lịch thiệp, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người. Có thể nói, trên thế giới hiếm có một nhà lãnh đạo nào mà có phong cách và nghệ thuật ngoại giao giàu giá trị văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Người luôn xác định tiếp xúc ngoại giao để làm gì thì đều luôn đặt lợi ích đó gắn liền với lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Trong đó, phải nói đến phương pháp “ngoại giao công tâm” đánh vào lòng người bằng lẽ phải, đạo lý và giàu lòng nhân ái; phương pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với cái luôn thay đổi; nghệ thuật biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến để đạt được mục tiêu cao nhất trong giải quyết các mối quan hệ ngoại giao; từ đó, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ cho những ai đã từng tiếp xúc với Người. Ở những thời khắc quan trọng, Người vừa tinh tế, khéo léo, lại quyết đoán trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn và phù hợp khiến cho người khác phải tâm phục, khẩu phục.
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957 |
Khoan dung, hòa hiếu là cái đẹp trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, khoan dung không phải là nhún nhường mà nó phải được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng đạo lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng và tiến bộ. Người không chấp nhận việc thỏa hiệp với những điều kiện bất công, những hành vi chối bỏ hạnh phúc và chà đạp lên các quyền cơ bản của mỗi con người, mỗi dẫn tộc. Hòa hiếu luôn là phương châm nhất quán của Người để ứng xử ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Hiện nay, đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn lớn lao, bổ sung và làm phong phú thêm giá trị văn hóa ngoại giao nhân loại. Ứng xử trong một thế giới đang biến động phức tạp với những thách thức và cơ hội chưa từng có, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh sẽ là nền tảng, hành trang cho các hoạt động đối ngoại. Đồng thời, phát huy vai trò là một mặt trận tiên phong, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thuận lợi để thu hút các nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Văn hóa ngoại giao của Người đã góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam; nó truyền đi một thông điệp tích cực, đó là cần xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế vì một thế giới tốt đẹp hơn./.