Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, gửi cho báo Pravđa (Liên Xô); Báo Nhân dân, đăng số 4952, ngày 01 tháng 11 năm 1967.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác - Lênin như kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và Người luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó vào thực tiễn cách mạng. Sự khẳng định trên của Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định và đánh giá cao bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng, đó là một trong những bài học có tính nguyên tắc và phổ biến, đảm bảo cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Thực tiễn chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục giành những thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra.
__________
Ngày 01/11/1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đảng Cộng sản và vấn đề thuộc địa” khẳng định: “Những người cộng sản ở chính quốc biết được nỗi khổ của các bạn... Đảng chủ trương nỗ lực để cứu vớt tất cả những anh em ở các thuộc địa..., đảng sẵn sàng để các bạn tuyên truyền trên báo chí của đảng… Đảng yêu cầu nhất là các bạn đoàn kết lại... Vì hòa bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!”, văn bản này đã được thông qua tại Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp. Cùng ngày, tờ “Le Paria” còn đăng bài “Vụ hành hạ Amđuni và Ban Benkhia” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác thực dân ở thuộc địa Tuynidi.
Ngày 01/11/1941, Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” nhằm mục tiêu binh vận:
“Hai tay cầm khẩu súng dài,
Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?...”
Và kêu gọi sự giác ngộ:
“Trong tay đã sẵn súng này,
Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.
Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:
“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!” .
Ngày 01/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Ngoại trưởng Mỹ Giêm Biếcnơ nêu rõ “nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác... tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”.
Tháng 11/1950, Bác gửi thư tới các cụ phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình động viên: “Nhờ toàn dân ta hăng hái, bộ đội ta dũng cảm, Chính phủ ta kiên quyết mà nay toàn tỉnh ta đã được giải phóng khỏi xiềng xích của bọn thực dân hung tàn” và xác định những nhiệm vụ: “Chúng ta phải: Toàn dân đoàn kết chặt chẽ. Thi đua ủng hộ kháng chiến. Thi đua tăng gia sản xuất. Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng”. Cũng trong thời gian này, sau Chiến thắng Biên giới, Bác viết mấy vần thơ gửi tới Luật sư Phan Anh:
“Đất chuyển, trời xoay, bể mịt mù.
Thu này, kháng chiến đã ba thu.
Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc.
Một túi thơ tiên, một rượu bù...”(một bầu – TG).
Ngày 01/11/1953, Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Xô viết nhân kỷ niệm 36 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và nhấn mạnh: “Tình hữu hảo anh em luôn luôn thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam là một sự nâng đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Ngày 01/11/1959, Bác viết thư chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội: “Bác thân ái chúc các cháu/ Mạnh khỏe, vui vẻ/ Đoàn kết chặt chẽ/ Luôn luôn thi đua/ Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ/ Vươn lên hàng đầu trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.