Theo đó, quy mô Lễ hội được xác định là ở cấp huyện. Trên cơ sở đó, qua ý kiến thảo luận, đóng góp của các thành viên Ban Tổ chức tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Ánh Tuyết chủ trì, Lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 17/3/2024, tại Bàu Kpoch - ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh.
Về thành phần tham dự Lễ hội, huyện sẽ mời lãnh đạo UBND tỉnh, một số ban, sở, ngành có liên quan; các cơ quan báo chí, các công ty, đơn vị kinh doanh khai thác du lịch trong và ngoài tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể xã Lộc Khánh, các chi bộ, đoàn thanh niên trên địa bàn xã; đại diện Ban Hộ tự chùa Sóc Lớn và bà con nhân dân trên địa bàn xã Lộc Khánh.
Phần khai mạc Lễ hội sẽ diễn ra vào lúc 8h00” ngày 17/3/2024, tại bàu KPoch, ấp Sóc Lớn. Sau phần khai mạc sẽ là phần nghi lễ truyền thống (khoảng 8h30”) do già làng của xã làm chủ lễ.
Phần hội dự kiến bắt đầu lúc 9h00”, ngay sau khi thực hiện xong nghi lễ truyền thống, tại bàu KPoch với các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, các bài hát điệu múa truyền thống của cộng đồng, giao lưu múa hát lâm thôn; xúc cá; nướng cá, chế biến các món ăn truyền thống; liên hoan.
Phần bế mạc dự kiến vào khoảng 10h30” ngày 17/3, trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt giải trong phần giao lưu các trò chơi dân gian.
Việc tổ chức Lễ hội truyền thống Dua Tpeng (Phá bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh nhằm khơi dậy tiềm năng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến công chúng về giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng cao ý thức của Nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Từ đó, kêu gọi sự chung tay, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Dua Tpeng của người Khmer. Qua đó, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, già làng, đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội; đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương.
Để chuẩn bị tốt cho Lễ hội, sau khi ban hành Kế hoạch tổ chức, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ hội, tiến hành họp để bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến cho công tác chuẩn bị và tổ chức Lễ hội. Ủy ban nhân dân huyện cũng trực tiếp đi kiểm tra thực địa, làm việc với chính quyền địa phương, gặp gỡ già làng, người có uy tín và bà con nhân dân ấp Sóc Lớn để thông tin, tuyên truyền, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, từng đơn vị triển khai thực hiện.
Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo triển khai các hoạt động trước lễ hội như: dựng 06 trại của các ấp thuộc xã Lộc Khánh, 03 trại của các xã Lộc Hưng, Lộc Quang, Lộc Thịnh và 01 trại lớn của xã; chương trình văn nghệ, thống nhất công tác chuẩn bị Lễ hội theo hướng dẫn trong Lý lịch Di sản văn hóa đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước (phân công người phụ giúp thực hiện nghi thức cúng thần linh, chuẩn bị lễ vật, tiết mục văn nghệ, gia đình tham gia lễ hội, công tác chuẩn bị khác...); rà soát các khâu chuẩn bị (tuyên truyền, kịch bản, các tiết mục văn nghệ, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, trang trí, giới thiệu, quảng bá, trưng bày các sản phẩm và thực hiện đan lát tại gian hàng trong Lễ hội để phục vụ khách tham quan, ẩm thực…).
Qua trình đi cơ sở, nắm bắt công tác triển khai, chuẩn bị cho Lễ hội, được biết bà con nhân dân xã Lộc Khánh cũng như các xã, thị trấn trong huyện rất vui mừng, phấn khởi, háo hức mong chờ ngày hội đến, để được gặp gỡ, giao lưu, được tham gia, hòa mình vào một sân chơi thường niên truyền thống của người Khmer đã có từ lâu đời mà một giai đoạn khá dài đã dần mai một. Tin tưởng rằng, Lễ hội Phá bàu lần này sẽ được tổ chức và diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/11/2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Bình Phước năm 2030, định hướng đến năm 2045./.
Một số hình ảnh
BL-MTTQ