Huyện Lộc Ninh có hơn 22% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer, S’Tiêng vẫn duy trì thói quen nhốt trâu, bò dưới gầm sàn hoặc làm chuồng liền nhà. Qua rà soát, đến tháng 10 năm 2021, toàn huyện còn 910 chuồng trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm môi trường với 4.725 gia súc, chiếm 17,2%/tổng số hộ chăn nuôi.
Thực hiện Công văn số 218-CV/HU ngày 14/10/2021 của Huyện ủy Lộc Ninh về việc chỉ đạo di dời các chuồng trại gia súc gây ô nhiễm môi trường. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, MTTQ và các đoàn thể huyện Lộc Ninh phối hợp với cấp ủy, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời chuồng trại gây ô nhiễm môi trường; bám sát từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, gắn với kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh nhà ở, hỗ trợ phục vụ thức ăn, nước uống khi các lực lượng địa phương thực hiện việc di dời chuồng trại; tham gia san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu, hỗ trợ làm chuồng trại, tiến hành chỉnh trang, cải tạo, san lấp các vị trí chuồng trại, điểm buộc gia súc đã di dời; vận động Nhân dân trong khu vực thực hiện nạo vét kênh mương thoát nước, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Đồng thời, kêu gọi, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, già làng, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà ở.
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, trong đó có vai trò rất lớn của MTTQ và các đoàn thể, qua hơn 04 tháng thực hiện, đến nay đã có 11/14 xã hoàn thành việc di dời chuồng trại với tổng số 869/910 chuồng, 3.932 gia súc, đạt 95,5% so với tổng số chuồng trại gây ô nhiễm. Hiện nay 03 xã Lộc Tấn, Lộc Phú, Lộc Hòa đang tiến hành vận động, hỗ trợ người dân thực hiện.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Một số hình ảnh tại các buổi thực hiện công tác di dời
Nắng Mai