Tập trung nguồn lực chăm lo người nghèo
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh đã được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các hộ nghèo được tiếp cận đầy đủ chính sách giảm nghèo như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông, hỗ trợ phương kế sinh nhai... Năm 2020, với quyết tâm giảm 1.297 hộ nghèo đồng bào DTTS, tỉnh bố trí 75.200 triệu đồng để thực hiện. Tính đến hết tháng 11-2020, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ đạt 84,9%, tỷ lệ nhu cầu cần hỗ trợ đạt 83,31%. Đến nay, hầu hết các hộ sử dụng vốn, giống và phương tiện sản xuất đúng mục đích, bước đầu có hiệu quả. Đặc biệt là huyện Lộc Ninh đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho lao động là người nghèo cao tuổi của địa phương và còn hỗ trợ giới thiệu việc làm cho con em hộ nghèo tại các doanh nghiệp (chế biến mủ, gỗ…) trên địa bàn.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Ông Đỗ Đại Đồng, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, trưởng đoàn giám sát số 2 cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: người nghèo, người có thu nhập thấp còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2016-2020, đa số các hộ nghèo ở sát đáy mức nghèo, già yếu, bệnh tật, đông con…, do vậy nguồn lực để hỗ trợ thoát nghèo bền vững là rất lớn. Mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả nông sản chủ lực của các địa phương giảm sâu, vì thế công tác vận động, huy động nguồn lực để hỗ trợ tất cả nhu cầu còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc giải ngân nguồn vốn và những hạng mục hỗ trợ có nguồn kinh phí lớn phải thực hiện quy trình đấu thầu theo quy định nên thời gian để triển khai chậm (kéo điện, mua tivi, con giống)... Việc cung cấp con giống (bò, dê) từ địa phương khác chuyển đến, do đó không thích nghi ngay được với thời tiết, khí hậu, dẫn đến phát sinh bệnh, mặt khác người nghèo đồng bào DTTS chưa nắm tốt kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nên con giống phát triển chậm hoặc hay bị bệnh. Đặc biệt đã có trường hợp hộ Lâm KhLây, ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh đầu năm 2020 đã tự ý bán 1 cặp bò giống được cấp năm 2019 với giá 15 triệu đồng để chi tiêu cuộc sống gia đình...
Đối với việc thực hiện hỗ trợ sửa chữa nhà ở, do việc sửa chữa nhà ở của các hộ khác nhau nên khảo sát đánh giá, chiết tính vật tư, thẩm định chi tiết các hạng mục sửa chữa nhà phải qua nhiều bước dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện hỗ trợ còn chậm. Việc thực hiện trong mùa mưa đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ hỗ trợ các nhu cầu cho hộ dân, nhất là hạng mục như xây nhà, sửa chữa nhà ở, xây nhà vệ sinh, đào giếng, khoan giếng...
Việc đào tạo nghề chưa thực hiện được do nhu cầu khác nhau và số lượng đăng ký rất ít nên mở lớp đào tạo nghề không khả thi. Một số nhu cầu thực hiện tiến độ còn rất chậm như: xây dựng nhà đại đoàn kết, vay vốn ngân hàng chính sách, hỗ trợ điện lưới, điện mặt trời… Việc rà soát, bình xét hộ nghèo đối với một số trường hợp chưa thật sự khách quan và đúng đối tượng, một số hộ có thu nhập trên mức chuẩn nghèo, thuộc đối tượng BTXH vẫn đưa vào danh sách được thụ hưởng chương trình, như ở huyện Bù Đăng: một số hộ có vườn trồng điều, cao su đều có nguồn thu nhập ổn định và trên chuẩn nghèo như: Điểu Cân, Điểu Nhui, Nông Văn Hàm (thôn 2, xã Đường 10); Đối tượng BTXH: Điểu Thị Niar (thôn 12, xã Thống Nhất); Phùng Văn Vy (ấp 2, xã Phước Sơn); Điểu Đạm (thôn 4, xã Đường 10).
Làm thế nào để giảm nghèo bền vững
Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên và để chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, đồng bào DTTS về chủ trương, chính sách của tỉnh, từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức và ý thức vươn lên trong cuộc sống của các hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS. Tổ chức rà soát, khảo sát, hướng dẫn hộ nghèo là đồng bào DTTS đăng ký nhu cầu hỗ trợ giảm nghèo phù hợp; quan tâm nhiều hơn đối với định hướng hỗ trợ nhu cầu tạo việc làm, đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo cho các cấp, các ngành, liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện hiệu quả, bền vững công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS, nhất là đối với việc thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngoài việc đầu tư nguồn lực, đăng ký chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo hàng năm. Các địa phương nên xem xét bố trí một phần nguồn lực trong công giảm nghèo để hỗ trợ thêm cho các hộ chưa có khả năng thoát nghèo, tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo ở những năm sau…
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp ở địa phương phải đồng hành cùng với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào DTTS nói riêng. Nêu cao trách nhiệm giám sát ngay tại địa bàn khu dân cư, đảm bảo việc hỗ trợ cho người nghèo đạt hiệu quả, đồng thời chung tay cùng với Chính quyền hướng dẫn hộ nghèo sử dụng nguồn vốn, cây-con giống hợp lý, hiệu quả.
Trọng Phước