Chỉ vitamin C có tăng được sức đề kháng ?
Đang làm nhân viên lễ tân tại resort Duyên Hà (Cam Ranh, Khánh Hòa), công việc thường xuyên tiếp xúc với du khách nên Phan Thị Thu rất xem trọng việc bảo vệ sức khỏe để phòng chống lại dịch bệnh.
Thu kể: “Ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên thì mình uống nước cam mỗi ngày, không những thế còn mua thêm vitamin C uống để tăng sức đề kháng. Nói chung mình ưu tiên bổ sung vitamin C, vì mình nghe nói sức đề kháng cao, hệ miễn dịch tốt thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp hơn”.
Bàn về vấn đề dinh dưỡng trong mùa dịch Covid-19, bác sĩ Phan Thị Hiền Thu, BSCK1 Nhi - Dinh dưỡng, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, khẳng định: “Không có chất dinh dưỡng nào là tốt tuyệt đối trong việc tăng sức đề kháng giúp chống lại dịch bệnh, mà phải là một chế độ ăn càng đầy đủ, càng đa dạng càng tốt”.
Cồn trong rượu, bia không diệt được vi rút
Trước thông tin nhiều bạn trẻ cho rằng uống rượu, bia có thể diệt được vi rút, bác sĩ Duy khẳng định: “Cồn từ 60 độ trở lên sẽ diệt được vi khuẩn và vi rút nếu tiếp xúc trực tiếp và thời gian ít nhất 20 giây. Rượu, bia có nồng độ cồn không đủ mức độ để tiêu diệt vi sinh vật. Ngoài ra, khi uống rượu, bia vào thì được hấp thu qua ruột, vào máu và được chuyển hóa qua gan ngay sau đó, cho nên máu sẽ không “chứa” cồn 60 độ để đủ sức tiêu diệt vi khuẩn hay vi rút”.
Theo bác sĩ Thu, khi thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ giảm sản xuất các kháng thể, bổ thể và các miễn dịch trung gian tế bào, giảm tiết các chất nhầy có tính chất bảo vệ ở da, niêm mạc khiến chúng ta dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Bên cạnh đó, thiếu chất dinh dưỡng còn giảm tiết lysozymes và các dịch dạ dày làm cho quá trình tiêu hóa kém hơn... Vì vậy khi thiếu dinh dưỡng, các chất đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể chắc chắn sẽ giảm sút.
“Hệ miễn dịch phức tạp và đòi hỏi rất nhiều yếu tố cấu thành cũng như nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Chúng ta thường sai lầm là hay tin vào một cái gì đó để làm mình khỏe lên, như cứ nghĩ chỉ uống vitamin C là sẽ tăng sức đề kháng, mà lại bỏ lơ đi các chất khác trong chế độ ăn hằng ngày, như vậy sẽ làm mất cân đối”, bác sĩ Thu nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Thu, chế độ dinh dưỡng cần cân đối giữa các nhóm chất đạm, tinh bột và rau củ quả.
Trong đó, nhóm chất đạm động vật như thịt, cá, tôm, cua trứng và đạm thực vật như các loại đậu đỗ, nấm đều có nhiều chất sắt, kẽm là những thành phần chính của kháng thể để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Các thành phần trong rau củ quả có nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, tạo khả năng miễn dịch. Vitamin nhóm B có nhiều trong lớp cám của gạo, ngũ cốc… để tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng để tạo năng lượng. Ngoài ra, các vitamin khác như A, D, E là những vitamin đặc biệt trong việc chống ô xy hóa, giúp biệt hóa các tế bào biểu mô, là hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng…
Sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng
Nhiều bạn trẻ ngại đến phòng tập gym vì sợ dễ lây nhiễm dịch bệnh, ở nhà thì lười tập thể dục, nhưng các bác sĩ đều khẳng định sức khỏe về thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng chống lại dịch bệnh.
TS-BS Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng vấn đề lo ngại về việc phơi nhiễm với vi rút tại các trung tâm thể dục thể thao là hoàn toàn hợp lý, vì ở những nơi đó không gian hạn chế, rất dễ xảy ra tiếp xúc gần với nhiều người. Ngoài ra, các dụng cụ tập được sử dụng chung cũng là nguồn lây nhiễm tiềm năng. Chính vì vậy, tốt hơn là nên tập thể dục ngoài trời, những nơi có không gian thoáng đãng, đặc biệt có lợi cho các bài tập sức bền và cần hô hấp tích cực như chạy bộ.
Trong trường hợp nếu không có điều kiện, phải tập tại các trung tâm thể dục thể thao thì bác sĩ Duy lưu ý: “Người có triệu chứng hô hấp cần chủ động nghỉ tập trong thời gian đang bệnh, hoặc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Bên cạnh đó, chọn thời điểm tập lúc vắng người hoặc đeo khẩu trang khi tập các hình thức không phải aerobic như tập sức cơ với tạ. Lau các dụng cụ tập trước khi sử dụng bằng các dung dịch sát khuẩn và lau sạch lần nữa sau khi sử dụng xong”.
Bác sĩ Duy cũng cho rằng người trẻ, đặc biệt là những người đang đi làm, là đối tượng có sức khỏe tương đối tốt do còn trẻ và sức đề kháng còn mạnh, tuy nhiên không nên vì thế mà chủ quan. Nhóm người trẻ này có thể vì áp lực công việc mà ít dành thời gian cho tập luyện thể dục thể thao, thường xuyên căng thẳng, mất ngủ. Ngoài ra, một số bạn trẻ do bận rộn nên chế độ ăn uống thiếu cân đối… cũng sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
Bác sĩ Trần Văn Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, thì nhìn nhận: “Tinh thần cũng là yếu tố rất quan trọng, như những người trầm cảm sẽ dễ bị nhiễm trùng, người lạc quan yêu đời thì sức đề kháng sẽ cao hơn. Chính vì thế, sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần cũng ảnh hưởng đến vấn đề miễn dịch”.
Đặc biệt, bác sĩ Ngọc khuyên người trẻ không nên thức khuya, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá vì những chất này sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Khi nạp những chất này vào cơ thể nhiều thì tất cả những hệ thống, cơ quan trong cơ thể đều sẽ bị ức chế và suy nhược, trong đó có những tế bào bảo vệ cũng đều bị suy yếu.
Nguồn: Báo Thanhnien.vn