Lịch sử hình thành Mặt trận qua các thời kỳ cũng là lịch sử tập hợp ngày một rộng lớn sức mạnh dân tộc và sự trưởng thành từng bước của Đảng ta và Cách mạng Việt Nam. Kế tục truyền thống của Hội phản đế đồng minh trong cao trào Cách mạng (1930 - 1936) mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ tỉnh; Mặt trận Dân chủ Đông dương với Cao trào dân chủ (1936 - 1939) rộng mở trong cả nước chống Phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình và cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945) đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức, tập hợp lực lượng đấu tranh theo đường lối của giai cấp công nhân cách mạng.
Từ Hội Phản đế đồng minh (1930) đến Phản đế liên minh (1935), Mặt trận dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế (1940) và Mặt trận Việt Minh (1941), những tên gọi và những nhiệm vụ từng thời kỳ có thay đổi nhưng mục tiêu cơ bản vẫn là tập hợp đông đảo quần chúng cách mạng, nhằm đánh đổ đế quốc Pháp - Nhật, góp phần rất quan trọng và to lớn cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, Thực dân Pháp núp dưới bóng quân Đồng Minh để tiếp tục xâm lược nước ta. Để bảo vệ chính quyền cách mạng làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật. Từ đó vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao. Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận dân tộc thống nhất, năm 1946 Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập, đây là bước phát triển mới của Mặt trận dân tộc thống nhất.
Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt ngày càng sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc.
Năm 1951 thống nhất hai tổ chức này thành Mặt trận Liên Việt, đã động viên toàn dân tộc đẩy mạnh kháng chiến làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa đến ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, công nhận chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam lúc này là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, song nhiệm vụ cách mạng của cả hai miền là đều có mục tiêu chung là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam. Các tổ chức này đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang là tăng cường đoàn kết toàn dân ở cả 2 miền Nam - Bắc dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đánh thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thực hiện và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc của các tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ nêu trên.
UVTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Thị Xuân Trang tiếp nhận
ủng hộ phòng chống Covid-19
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã tập trung cao độ “chống dịch như chống giặc”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng với các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ngày công phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đảm bảo an sinh cho người nghèo, người yếu thế, người cơ nhỡ, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh để chung tay góp sức cùng với Đảng và Nhà nước bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa đất nước ta trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới./.