LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG
I. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (03/02/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930). Trong giai đoạn cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền, Mặt trận làm nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968), là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam.
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam; tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
II. Truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị
Kế tục truyền thống của Hội Phản đế đồng minh và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết vận động toàn dân tộc nổi dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, Nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
III. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hoà XHCN Việt Nam quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên Nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH BÌNH PHƯỚC
I- Những kết quả đạt được
Với phương châm: tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư là nơi hoạt động trọng tâm. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai vận động nhân dân thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả thiết thực, mang lại lợi ích cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do MTTQ các cấp chủ trì phối hợp thực hiện là một cuộc vận động lớn, mang tính toàn dân, toàn diện với các nội dung thiết thực liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và các chương trình kinh tế, an ninh trật tự của tỉnh. Qua đó làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững, nhân dân đoàn kết gắn bó xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và nâng cao, mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng khu dân cư ngày càng bền vững. Đặc biệt là trong 2 năm qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động trên 267,137 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây 1.425 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá 117, 943 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp cũng đã hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo có vốn để sinh kế, giúp hàng trăm hộ đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững …
Trong công tác phòng, chống đại dịch Covi -19: MTTQVN các cấp đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng, chính quyền trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ trên 45 tỷ đồng cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, rau, củ quả hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh….các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp có những đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh, điển hình như: Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Bình Phước; Công ty Cổ phần - Sản Xuất -Xây dựng -Thương Mại và Nông Nghiệp Hải Vương; Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex -Bình Phước; Công ty TNHH SXTMDV B58, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh…
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa- nhân đạo, từ thiện” được MTTQ các cấp duy trì thực hiện và phát huy hiệu quả thiết thực trong cộng đồng dân cư. Hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với ngành liên quan và các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia đóng góp và xây dựng được 50 căn nhà “tình nghĩa” trị giá 4,559 tỷ đồng, sửa chữa 104 căn nhà gia đình chính sách trị giá 2,212 tỷ đồng; tặng 30 sổ tiết kiệm trị giá 167 triệu đồng…góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm sóc cho các gia đình thương binh - liệt sỹ, người có công với nước có cuộc sống ổn định…
Song song đó, MTTQ các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền bằng nhiều hoạt động cụ thể, như: Thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; Tham gia đóng góp xây dựng pháp luật và những chính sách, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của UBND các cấp; Mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ các cấp với các cơ quan của Đảng, chính quyền tiếp tục được tăng cường; Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với Thường trực HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục được duy trì thông qua các cuộc họp của các bên có liên quan. Ngoài ra, trong năm còn phối hợp tổ chức thực hiện thành công các cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Mặt trận luôn được chú trọng, có nhiều chuyển biến tiến bộ, đi vào nề nếp. Hàng năm, MTTQ các cấp đều tổ chức ký kết giao ước thi đua, tổ chức bình xét, đề nghị khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động...Qua đó đã khuyến khích, động viên được phong trào ở cơ sở; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ cơ sở.
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động và chủ trì đã có nhiều mô hình tốt nhằm đa dạng hoá các hình thức tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương như: tập hợp phát triển thêm nhiều đoàn viên, hội viên, xây dựng lực lượng cốt cán chính trị trong các phong trào, các cuộc vận động; phát huy vai trò người uy tín, người tiêu biểu trong giải quyết những vấn đề vướng mắc, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc và chia rẽ. Qua đó, ngày càng nhiều cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia Ủy ban MTTQ các cấp.
Nhìn chung, trong thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà tiếp tục được củng cố và mở rộng; đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền; các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tất cả vì mục tiêu xây dựng Bình Phước giàu mạnh, văn minh.
Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930 – 18/11/2021, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, chúng ta khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”, nguyện cùng nhau tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đổi mới phương thức triển khai và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo hướng xác định nhiệm vụ trọng tâm công việc, đối tượng vận động hằng năm. Quán triệt và triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ôn lại lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam giúp cho chúng ta nhận thức và tin tưởng hơn về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam nêu cao lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết nhân nghĩa, tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà, hoà nhập cùng với sự phát triển chung cả nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH