Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là người con của quê hương Bến Tre quật khởi, anh hùng. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành nhà chính trị - văn hóa lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước. Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1945) cho đến khi mất (tháng 9-1989), kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Ông suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam, luôn lạc quan yêu đời với nụ cười rộng mở.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ
Trên cương vị lãnh đạo cao cấp (Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN), ông không yêu cầu bất cứ đặc ân, đặc quyền nào cho bản thân và gia đình. Trong sinh hoạt thường ngày, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với mọi người, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Chính phong cách sống và làm việc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã góp phần quan trọng tạo nên thành công ấy, luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chứng minh một chân lý sáng ngời, đó là khi có lòng yêu nước, thương dân, khi đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích bản thân, gia đình và biết dùng tài năng của mình để “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” thì được nhân dân tin yêu, đón nhận và ủng hộ. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là người tiêu biểu cho tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hiểu đúng, hiểu sâu và hiện thực hóa rất tốt tư tưởng của Người.
Nét nổi bật trong phong cách của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ; thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; mỗi quyết sách của ông đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.
Anh Phát tính tình điềm đạm, cởi mở, dễ mến. Gặp anh, ngồi nói chuyện với anh, trên môi anh lúc nào cũng nở nụ cười tươi tỉnh, đôn hậu. Là một trí thức có tài nhưng anh rất khiêm tốn. Công tác gian nguy trên một trận địa khó khăn, ác liệt, song anh luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Nhiều người biết anh có vị trí trong Đảng, trong chính quyền nhưng anh không bao giờ dựa vào đó để buộc người khác theo ý mình. Anh luôn luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. |
Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Gắn bó, gần gũi với cán bộ và nhân dân Bình Phước anh hùng
Thứ nhất, ngày 7-4-1972, huyện Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Từ đó, Lộc Ninh trở thành nơi tập trung các cơ quan đầu não của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 3-1973, nhằm đáp ứng nhu cầu đấu tranh của cách mạng miền Nam trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà “Cao cẳng” để xây dựng trụ sở cách mạng với đồ án bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ngôi nhà xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước nên tên gọi “Nhà Giao tế” ra đời từ đó. Sau hơn 1 tháng thi công, công trình bề thế, khang trang đã được hoàn thành, gồm 1 trệt và 1 lầu. Tầng trệt xây dựng bằng bê tông chắc chắn, dùng để hội họp, mít tinh và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tầng lầu được xây dựng bằng gỗ, có lan can bao quanh được thiết kế theo kiểu phòng khánh tiết, mái tôn “5 nóc, 4 mái” được sơn đỏ. Tại phòng này, năm 1973 đã diễn ra hội nghị quân sự 4 bên.
Bản Quy hoạch tổng thể Trung tâm Lộc Ninh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát phác thảo
Trong thời gian họp có sự phân chia rõ ràng từ lối đi, vị trí ngồi họp và vị trí ngồi nghỉ trong giờ giải lao… và đều được bố trí riêng biệt. Đại diện của 4 phái đoàn ngồi họp trong 1 bàn tròn lớn, Ủy ban Quốc tế ngồi họp trong cùng 1 bàn tròn nhỏ, 4 bàn nhỏ 4 góc nhà là vị trí ngồi của tùy viên 4 bên. Tất cả đều đặt dưới lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hai bên có 2 cầu thang đi lên. Từ trong ngôi nhà nhìn ra, cầu thang phía bên phải là lối đi của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, bên trái là lối đi của quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Việc chọn bàn vuông hay bàn tròn để ngồi họp cũng là vấn đề mà các bên quan tâm. Khi họp ở trại David (Sài Gòn) hay họp ở Paris, Ban liên hợp quân sự 4 bên đã sử dụng bàn vuông hay bàn hình chữ nhật để ngồi họp nhưng khi họp ở Nhà Giao tế thì lại chọn bàn tròn. Bởi bàn tròn là thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng giữa các bên, còn nếu là bàn vuông hay bàn hình chữ nhật thì một trong 4 bên khi đứng lên phát biểu trong cuộc họp thì giống như bên đó là chủ tọa cuộc họp. Còn sử dụng bàn tròn thì các bên đều ngang hàng như nhau.
Nhà Giao tế ra đời đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, là chứng tích chứng minh về sự thất bại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Bên cạnh đó là sự đấu tranh anh dũng, khôn khéo của quân và dân ta trên cả 2 mặt trận quân sự và ngoại giao trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày 12-12-1986, di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế) đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Việc thiết kế xây dựng Nhà Giao tế đã nói lên tầm nhìn chiến lược của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát về sự lớn mạnh, uy tín của cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định và tin tưởng vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Ngoài ra, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn quy hoạch dự định sẽ xây dựng tại Lộc Ninh, thủ phủ kháng chiến của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, như: Quy hoạch tổng thể Trung tâm Lộc Ninh; Đài tưởng niệm liệt sĩ; Đền thờ Bác Hồ; Khu nhà Giao tế; Nhà văn hóa - thông tin; nhà hát ngoài trời; khách sạn, cửa hàng bách hóa; trường học; bệnh viện; khu thể dục thể thao; chợ dân sinh… Các phác thảo của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong chiến tranh ác liệt đã thể hiện một tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của một nhà lãnh đạo, nói lên sự trăn trở, tâm huyết để huyện Lộc Ninh nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ, trước tiên là về xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh.
Thứ hai, là sự tận tụy, yêu thương đồng chí, đồng đội của mình khi được trở về trong vòng tay đồng đội và yêu mến của nhân dân từ nhà tù của chính quyền Mỹ - ngụy. Đó là vào năm 1974, địch bắt đầu trao trả tù binh và tù chính trị của ta ở Lộc Ninh. Công cuộc đón tiếp các đồng chí, đồng đội được Mặt trận, Chính phủ và các đoàn thể tổ chức rất chu đáo từ sân bay Lộc Ninh đến các khu vực tạm an dưỡng nghỉ ngơi. Mặc dù bận rất nhiều việc nhưng Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát vẫn tranh thủ đến đón mừng đồng chí, đồng đội tù chính trị vừa trở về với gia đình, dân tộc ở các trại và cả tại nhà khách của Chính phủ.
Thứ ba, ông đã dành nhiều thời gian, tình cảm thăm hỏi ân cần, biểu dương thành tích của quân, dân tỉnh Phước Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời tin tưởng, động viên, cổ vũ quân dân Phước Long cùng nhân dân cả nước tiếp tục đấu tranh, hoàn thành sứ mệnh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngay sau khi tỉnh Phước Long được giải phóng vào ngày 6-1-1975 (tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng), Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thăm đồng bào Phước Long và Đồng Xoài.
Nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Phước Long, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát khen ngợi quân và dân Phước Long với truyền thống cách mạng kiên cường, kiên quyết trừng trị địch phá hoại Hiệp định Paris, đã tấn công và nổi dậy mạnh mẽ, đập tan ách thống trị của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà.
Tại Đồng Xoài, hàng ngàn đồng bào, công nhân cao su và đồng bào các dân tộc đã họp mít tinh chào mừng đoàn. Phát biểu trước cuộc mít tinh, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã nhắc lại truyền thống bất khuất của nhân dân Đồng Xoài trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát biểu dương những thành tích mà nhân dân Đồng Xoài đạt được trong chiến đấu và sản xuất.
Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đi thăm một số gia đình chính sách của Phước Long và Đồng Xoài. Đến đâu, đồng bào cũng vui mừng đón tiếp, vì lần đầu tiên được gặp những đồng đội, đồng chí đã từng chiến đấu hơn 30 năm để có ngày độc lập hôm nay.
Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của các thế hệ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc nói chung và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước hôm nay luôn trân trọng ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với tỉnh Bình Phước. Nguyện học tập về tấm gương sáng ngời của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, khí phách anh hùng của quân và dân tỉnh nhà trong đấu tranh cách mạng để có những bước tiến vững chắc, biến vùng đất đầy gian khó thành động lực phát triển, là vùng đất đáng sống và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Theo BPO