Trong 3 ngày 14 đến 16-9, đoàn công tác UBTWMTTQVN phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đối với 240 người dân ở các huyện Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài và Phước Long.
Đoàn chia thành các nhóm hoạt động độc lập, mỗi thành viên phỏng vấn trực tiếp từng người dân (theo sự lựa chọn ngẫu nhiên và có độ tuổi khác nhau) ở các ấp Sắc Xi, Cây Điệp (xã Tân Phước), khu phố Tân An, Tân Liên (thị trấn Tân Phú), huyện Đồng Phú; khu phố 1,5 (phường Long Thủy), khu phố 5,7 (Phường Long Phước), thị xã Phước Long; khu phố Phú Thanh, Phú Tân (phường Tân Phú), khu phố Xuân Đồng, Phước Thọ (phường Tân Thiện), thị xã Đồng Xoài. Mỗi ấp, khu phố 20 người. Nội dung phỏng vấn tập trung vào bộ câu hỏi liên quan đến: việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc công khai thu, chi các khoản vận động đóng góp của chính quyền cơ sở; việc thu học phí và các khoản khác của nhà trường đối với học sinh trong năm học; chất lượng khám, chữa bệnh và các chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập; vấn đề giải tỏa đền bù, thủ tục cấp giấy CNQSD đất; giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo của người dân; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, bầu trưởng, thôn, ấp khu phố; hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở…
Thành viên đoàn khảo sát trao đổi cho người dân ấp Cây Điệp
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa trung tâm nghiên cứu phát triển-hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc liên hiệp các hội khoa học -kỹ thuật Việt Nam và chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay. PAPI không chỉ là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, mà còn là công cụ đánh giá mức độ cải thiên của các cấp chính quyền qua thời gian.
PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI gồm 6 chỉ số nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần, 92 chỉ tiêu chính, 516 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách, gồm các nhóm vấn đề về: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; vấn đề công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Từ 2009 đến 2016, PAPI thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 89.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2016, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 14.063 người dân được chọn ngẫu nhiên và đại diện cho dân số cả nước.
Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Là công cụ giám sát thực thi chính sách, được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng (hay “khách hàng”) của cơ quan công quyền (hay “bên cung ứng dịch vụ”), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương. Kết quả của các chu trình nghiên cứu PAPI là những bộ dữ liệu đánh giá khách quan về chất lượng quản trị quốc gia dựa trên trải nghiệm của người dân, qua đó cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình.
Phỏng vấn trực tiếp người dân ấp Cây Điệp
PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, thông qua hai cơ chế bổ trợ lẫn nhau: tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương với tạo cơ hội cho người dân nâng cao năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân.
Trọng Phước