Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, 6 tháng đầu năm 2018, MTTQ và các tổ chức thành viên vận động các hộ khá, giàu với các hình thức như: Hỗ trợ vốn vay không tính lãi và lãi suất thấp; hỗ trợ về tiền mặt, cây - con giống và hơn 9.482 ngày công lao động… tổng trị giá trên 23 tỷ 463 triệu đồng, để tạo điều kiện giúp 25.725 lượt hộ nghèo, khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu hợp pháp.
Mong muốn tìm được một mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo ra chuỗi liên kết từ khâu cung ứng, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, mang tính ổn định, bền vững, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện được 12 mô hình liên kết phát triển kinh tế, như: chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học ở xã Long Giang (thị xã Phước Long); trồng tiêu và chăn nuôi dê tại xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập); trồng quýt đường tại xã Tân Thành (thị xã Đồng Xoài); trồng tiêu tại xã Thanh Lương (thị xã Bình Long); chăn nuôi bò tại xã Thanh Bình (huyện Bù Đốp)…
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên xây dựng và duy trì 65 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững, như: chăn nuôi bò sinh sản tại các xã: Bình Minh (huyện Bù Đăng), Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh), Phước Minh, Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập); nuôi gà thả vườn ở xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú); nuôi dê sinh sản tại xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp); trồng tiêu bằng cây nọc sống kết hợp chăn nuôi dê và bò; hỗ trợ con giống; hỗ trợ vốn vay; hợp tác xã chăn nuôi dê, bò, trồng nấm, cây có múi, tổ hợp tác chăn nuôi heo An Phát; tổ hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap tại thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú; Huyện Bù Đăng thực hiện các mô hình: trồng cây ca cao xen ghép với vườn điều, trồng cao su, phát triển trồng hồ tiêu, nuôi cá bè ở các xã Minh Hưng, Đức Liễu, Nghĩa Bình; mô hình nuôi chồn hương, chim bồ câu thương phẩm ở xã Phú Sơn… Huyện Hớn Quản thực hiện các mô hình: trồng dưa lưới nhà màng của ông Lê Anh Đức, Lê Văn Quyền (ấp 5, xã Tân Quan), ông Phạm Văn Trung (xã Tân Khai)… Từ những mô hình này, không những mang lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống của người dân mà còn tạo chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là động lực cho người dân vươn lên trong cuộc sống và làm giàu chính đáng.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo yên tâm phát triển kinh tế, với phương châm “an cư lạc nghiệp”, từ nguồn vận động “Nghĩa tình sông Bé yêu thương” và các nguồn vận động khác, MTTQ các cấp tổ chức xây dựng và bàn giao 167 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 8,9 tỷ đồng cho các hộ nghèo đưa vào sử dụng. Hiện nay, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng 500 căn nhà Đại đoàn kết, cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại các huyện, thị.
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Quang Toản trao quyết định bàn giao nhà cho các hộ nghèo huyện Bù Đăng
Ngoài ra, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, các cấp mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên vận động được 51.365 phần quà, trị giá trên 17,4 tỷ đồng và 10,5 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp lễ tết. Thăm và tặng 18.478 phần quà cho đối tượng là người nghèo, nạn nhân chất độc Da cam, người tàn tật - Trẻ mồ côi, trị giá 9 tỷ 239 triệu đồng; duy trì 19.457 suất cơm từ thiện để tặng cho bệnh nhân nghèo; tặng 75 sổ tiết kiệm, trị giá 168 triệu đồng; Phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho 3.842 lượt người nghèo. Ngoài ra, còn tặng 45 suất học bổng, trị giá 67,5 triệu đồng; tặng 17 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo, trị giá 25,5 triệu đồng, vận động hiến 2.101 đơn vị máu.
Phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở tiếp tục phát huy được hiệu quả, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, MTTQ các cấp đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công, tổng trị giá 31 tỷ 543,284 triệu đồng để làm mới và sửa chữa được 104,833 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 79 cống thoát nước các loại; vận động nhân dân phát quang và dọn dẹp 257,7 km đường làng ngõ xóm; vệ sinh và khơi thông cống rãnh được 6 km; vận động lắp đặt và kéo 35,5 km đường điện trung thế và đường điện hạ thế; làm mới và tu sửa 17 hội trường…qua đó góp phần cùng với chính quyền địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương trình, mục tiêu: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với ngành Công an, các đoàn thể thành viên tổ chức tuyên truyền pháp luật được 598 cuộc có 25.570 lượt người dự; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phối hợp tuyên truyền về chiến lược Quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam; về chương trình hành động phòng chống tội phạm, mua bán người...Thông qua phong trào, nhân dân cung cấp cho cơ quan chức năng 352 nguồn tin, giúp ngành chức năng làm rõ các vụ án liên quan đến ma túy; trộm cắp tài sản của nhân dân… Ngoài ra, nhân dân còn tham gia cảm hoá, giáo dục được 503 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có 287 đối tượng chuyển biến tốt. Bên cạnh đó, MTTQ ở cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư còn tham gia cung cấp địa chỉ cho Công an gọi hỏi răn đe 853 đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, góp phần ngăn ngừa được nhiều vụ vi phạm pháp luật và không để xẩy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn các địa phương.
T.Nguyễn