Sôi nổi các trò chơi dân gian tại ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2022 xã Phước Tín, thị xã Phước Long
Năm 2022, mặc dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội không thuận lợi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các chính sách giảm nghèo như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông, hỗ trợ phương kế sinh nhai…). Bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã hỗ 66 tỷ 80 triệu đồng để xây dựng 826 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 575 căn nhà, trị giá 46 tỷ hỗ trợ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh; hỗ trợ cho 71 hộ dân khu vực biên giới 426 triệu đồng để mua dê giống chăn nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập… Ngoài ra, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, MTTQ các cấp vận động nhân dân tự giúp nhau không tính lãi được 5 tỷ 329 triệu đồng; 14.088 cây-con giống và 5.012 ngày công lao động, giúp 2.775 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định đời sống.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đóng góp 18.172 triệu đồng, 14.231 ngày công lao động, hiến 9.558m2 đất để xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định tính hiệu quả trong việc huy động sức dân thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua đó góp phần từng bước làm thay đổi diện mặt khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc và phát triển toàn diện.
Theo ông Đỗ Đại Đồng, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, để huy động được nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, điều đầu tiên là cả hệ thống chính trị phải thống nhất về nhận thức và hành động. Phải làm cho người dân xác định chính họ là “chủ thể” của chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, thông qua việc thực hiện tốt pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên đa phương tiện để nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo và xây dựng đường giao thông nông thôn. Quá trình rà soát, “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” và cùng bàn với các hộ nghèo, với ban lãnh đạo thôn, ấp, khu phố chính là thời gian vàng để vận động, khơi gợi ý thức tự vươn lên, tự chọn giải pháp giảm nghèo cho cá nhân và gia đình hộ nghèo.
Thực tiễn cho thấy ở địa phương, đơn vị, cơ sở nào đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thật sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì kết quả thực hiện ở nơi đó đạt kết quả cao. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong cuộc chiến giảm nghèo và xây dựng đường giao thông nông thôn phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch. Khi người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra giám sát thì họ sẽ tham gia thực hiện công việc cuả Đảng, nhà nước như chính làm cho mình và gia đình họ vậy. Khi ấy họ sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng tư để hướng tới lợi ích chung của cộng đồng, người dân sẵn sàng hiến đất, chặt bỏ cây trồng, hoa màu, dỡ bỏ các công trình… để bàn giao mặt bằng; đóng góp công sức, tiền bạc, hiến kế…để góp phần cùng với chính quyền cơ sở thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Trọng Phước