Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.
Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Rác thải không được phân loại thu gom ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng việc ban hành chế tài xử phạt người dân không phân loại rác là hợp lý. Tuy nhiên, các địa phương hiện nay chưa có quy định cụ thể theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nên chưa thể có cơ sở để phạt vi phạm sau ngày 25/8.
Kinh nghiệm các nước cũng như một số đợt thí điểm ở Hà Nội trước đây chỉ ra việc phân loại rác sẽ giúp giảm 30% tổng lượng rác thải phát sinh, giảm áp lực thu gom, vận chuyển rác đi xử lý. Việc này cũng sẽ tăng lượng rác được tái chế thay vì chôn lấp, hay để nó trôi dạt ra đại dương.
Ông Tùng cho rằng cơ sở vật chất, nhân lực ở Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo cho việc phân loại rác tại nguồn đồng bộ từ người dân, thu gom, tập kết đến vận chuyển và xử lý. Minh chứng là các đợt thí điểm ở Hà Nội, TP HCM kết quả đều không thành công. "Ở những nơi thí điểm có thể thấy người dân rất hồ hởi phân loại, nhưng đơn vị thu gom lại chưa chuẩn bị xe để chở từng loại rác phù hợp, cuối cùng bao nhiêu rác phân loại lại đi chôn chung", ông Tùng nói.
Để quy định đi vào cuộc sống, ông Tùng cho rằng thời gian tới cần tổ chức đào tạo cho người dân cũng như đội ngũ thu gom để họ nắm được quy tắc, cách thức phân loại, thu gom rác hợp lý.
Khu chôn lấp bãi rác Nam Sơn, Hà Nội, quá tải. Ảnh: Ngọc Thành
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi ngày cả nước phát sinh gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn.
Năm 2007, Hà Nội thí điểm thu gom, phân loại chất thải tại nguồn ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá dự án bước đầu đưa được khái niệm phân loại rác vào nhà trường và nhân rộng ra các phường. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại không được duy trì.
Một số địa phương khác đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không được duy trì gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2017, Bắc Ninh năm 2014, Hưng Yên năm 2012, Lào Cai 2016.
Theo VnExpress